Phó Thủ tướng chỉ đạo cải tiến quy trình, thủ tục đẩy nhanh giải ngân vốn ODA


Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, để thúc đẩy giải ngân số vốn hơn 16 tỷ USD vốn cam kết chưa giải ngân của nguồn vốn ODA từ 6 ngân hàng phát triển, thời gian tới cần cải tiến quy trình thủ tục đẩy nhanh giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị. Ảnh: T.T

Chiều 17/6, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi với Nhóm 6 ngân hàng phát triển. Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị.

Mới giải ngân 7% kế hoạch vốn giao trong năm 2019

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn nước ngoài đang là vấn đề lớn mà Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, con số thực tế giải ngân nguồn vốn này còn thấp. Trong giai đoạn từ năm 1993 - 2018 Việt Nam đã ký kết trên 86 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Lũy kế giải ngân đạt 62,8 tỷ USD, bằng 72,9% tổng số vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, năm 2018 giải ngân tổng thể vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đạt 3 tỷ USD tương đương 68.299 tỷ đồng, đạt khoảng 63,2%, gồm vốn cho vay lại và viện trợ không hoàn lại, chiếm 21,4% cơ cấu huy động vốn của Chính phủ, trong đó vốn cấp phát xây dựng cơ bản ngân sách trung ương chỉ đạt 53,6% kế hoạch.

“Những tháng đầu năm 2019, mới giải ngân được gần 2.000 tỷ đồng, đạt khoảng 7% trong tổng số hơn 28.000 tỷ đồng kế hoạch được giao, thực tiễn này đỏi hỏi chúng ta phải xác định rõ các nguyên nhân, vướng mắc cản trở việc thực hiện và giải ngân các dự án, đưa ra được các giải pháp khắc phục và kế hoạch hành động hiệu quả để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này”, Phó Thủ tướng nói.

Thay mặt Nhóm 6 Ngân hàng phát triển, ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam phát biểu cho rằng, mục tiêu của Nhóm 6 ngân hàng phát triển là rất rõ ràng, mong muốn được hỗ trợ cho Việt Nam trong đầu tư phát triển. Theo ông Eric Sidgwick, các khoản vay của Nhóm các ngân hàng đã được phê duyệt, mong muốn Việt Nam nỗ lực hơn nữa để các khoản vay được giải ngân và đạt được hiệu quả tốt nhất.

Ông Eric Sidgwick cũng bày tỏ lo ngại về một số hạn chế trong quá trình thực hiện mà Nhóm 6 Ngân hàng phát triển gặp phải, như về quy trình thủ tục, mức độ sẵn sàng của các dự án, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn… Vị Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cũng cam kết, trong thời gian tới sẽ hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia của Việt Nam có mức ưu tiên cao; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và tri thức… “Nhóm 6 ngân hàng phát triển rất mong muốn được tiếp cận để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả nguồn vốn và tác động phát triển. Chúng tôi sẽ luôn hỗ trợ Việt Nam để các bạn đạt kết quả như mong đợi”, ông Eric Sidgwick nói.

Vướng từ quy trình, thủ tục đến thẩm định dự án

Sau phát biểu của ông Eric Sidgwick, thay mặt Nhóm 6 ngân hàng phát triển, ông Norio Saito – Phó Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam đã có bài phát biểu khá chi tiết về tình hình thực hiện các chương trình, dự án; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị.

Theo ông Norio Saito, tổng vốn đầu tư của các dự án đang hoạt động đã giảm xuống trong năm 2018 so với các năm trước đây. Vốn cam kết chưa giải ngân của nguồn vốn ODA từ 6 Ngân hàng phát triển hiện vẫn còn ở mức hơn 16 tỷ USD. Việc giải ngân chậm sẽ dẫn đến trì hoãn hoặc thậm chí không đạt được các kết quả phát triển, làm tăng chi phí dự án, giảm hiệu quả đầu tư và giảm tác động đến tăng trưởng GDP. “Để xoay chuyển vấn đề này sẽ không dễ dàng và đòi hỏi cam kết, nỗ lực mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan”, ông Norio Saito nói.

Trong bài trình bày của mình, ông Norio Saito đã đưa 6 vấn đề hiện nay đang là nguyên nhân của những vướng mắc khiến việc chậm giải ngân các dự án, từ quy trình, thủ tục, cho đến phân bổ và thẩm định…, từ đó đã có kiến nghị trực tiếp tới các bộ, ngành.

Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lưu Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những khuyến nghị từ phía đại diện Nhóm 6 ngân hàng phát triển là khá chính xác. Hiện vẫn còn một số tồn tại, như khung pháp lý còn cồng kềnh, phức tạp, một thay đổi nhỏ cũng phải thực hiện các quy trình dài và phức tạp. Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), các cơ quan thuộc Chính phủ sẽ xây dựng các văn bản dưới luật và sửa đổi một số nghị định có liên quan. Quy định tại luật mới này đã thông thoáng hơn trong lập kế hoạch và giải ngân vốn, ông Lưu Quang Khánh cho biết, với quy định mới hy vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc hiện nay, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đã có những giải đáp đối với Nhóm 6 Ngân hàng phát triển tại hội nghị liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn, thủ tục thẩm định cho vay lại và giải ngân vốn. Theo ông Trương Hùng Long, cuối tuần qua, Bộ Tài chính đã tổ chức tọa đàm với các nhà tài trợ bàn giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Trong đó có nhiều nội dung hai bên trao đổi nhau rất kỹ và đi đến thống nhất về quan điểm.
Ông Trương Hùng Long cho biết, đúng như các nhà tài trợ nhận định, thủ tục quy trình điều chỉnh kế hoạch dự án hiện còn rất phức tạp.


Công trình nếu chậm đưa vào sử dụng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Ảnh: T.T

Về ý kiến cho rằng, tại Nghị định số 132/2018/NĐ- CP chưa có định nghĩa rõ ràng về chi thường xuyên và chi đầu tư tạo sự hiểu nhầm giữa các đơn vị thực hiện dự án, theo ông Trương Hùng Long, từ năm 2016 theo chỉ đạo của Chính phủ đã siết chặt sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên, các dự án vay mới không được sử dụng cho chi thường xuyên; chỉ còn lại ở các dự án đã ký trước đây, tuy nhiên Chính phủ đã chỉ đạo, kể cả các dự án này dù theo cơ chế cũ cũng phải thực hiện rà soát lại. “Vừa qua, Bộ Tài chính cũng siết lại các quy định này, không đồng tình cho giải ngân dự án sử dụng vốn vay để mua ô tô và 2 dự án đã thực hiện lâu rồi nhưng vẫn thuê tư vấn nước ngoài để quản lý dự án, Bộ đã yêu cầu giải trình rõ ràng”, ông Trương Hùng Long nói.

Đại diện một số dự án chậm tiến độ cũng đã có báo cáo trực tiếp vướng mắc đến Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy nhanh tiến độ để giải ngân hơn 16 tỷ USD

Phát biểu trước các nhà tài trợ và đại diện một số chủ đầu tư, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được Quốc hội Việt Nam thông qua. Với những quy định mới về quy trình lập kế hoạch, thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có việc trao quyền nhiều hơn cho các cấp cơ sở trong việc ra quyết định, tạo sự linh hoạt hơn cho việc luân chuyển dòng vốn đầu tư công, hy vọng việc thực hiện, giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi sẽ được đẩy mạnh, hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, để phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nói trên, cần xây dựng một cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả giữa Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi và Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển. Sau hội nghị này, Phó Thủ tướng đề nghị các nhà tài trợ Nhóm 6 Ngân hàng phát triển tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi trong việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

Theo đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án với số vốn đã cam kết hơn 16 tỷ USD, sớm đưa các công trình vào hoạt động, cần tiếp tục cải tiến và đơn giản hóa quy trình, thủ tục tiếp nhận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; rút ngắn thời gian khởi động và thực hiện dự án thông qua việc thực hiện các hành động trước, đặc biệt trong công tác đấu thầu trên cơ sở xem xét làm rõ hoặc sửa đổi các quy định hiện nay liên quan đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Đồng thời, xây dựng quy trình, thủ tục cụ thể, rõ ràng, nhất quán về lập, thẩm định, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đối với nguồn vốn nước ngoài; minh bạch hóa thông tin thông qua việc trao đổi thường xuyên việc bố trí vốn kế hoạch với các nhà tài trợ.

Xác định rõ những hạng mục mang tính chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển để thuận lợi cho việc xây dựng dự án, xây dựng kế hoạch và thanh quyết toán. Xem xét điều chỉnh tỷ lệ vay lại nguồn vốn vay nước ngoài cho chính quyền địa phương phù hợp theo từng lĩnh vực và thời hiệu áp dụng tỷ lệ này để tránh tình trạng phải điều chỉnh, phê duyệt nhiều do thay đổi chính sách…/.
Đại diện 6 nhà tài trợ gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).

Theo Thoibaotaichinh.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: phunustyle@gmail.com

Phong Cách Phụ Nữ Online ©
Giấy phép ICP số 45/GP-TTĐT, cấp ngày 09/10/2016.
Email: phunustyle@gmail.com
Ghi rõ nguồn Phunustyle khi phát hành lại những thông tin này!
Liên hệ quảng cáo: Công ty truyền thông A.T.V
Địa chỉ: 111/2 Lê Quang Định, P.14, Bình Thạnh, TP. HCM
ĐT: 08.68014545 - Fax: 08.68014546