Thành phố ấm tình người


Chứng kiến từng quả trứng gà, mớ hành, vài củ khoai lang… được người dân san sẻ khi chung cư bị phong tỏa; hay hàng trăm suất ăn, phần quà… được các nhà hảo tâm trao tận tay người khó khăn mới cảm nhận hết tình người ở TPHCM giữa mùa dịch.


Hàng trăm phần ăn mỗi ngày được nhóm của Quốc Khánh gửi đến các bệnh viện. Ảnh: QUỐC KHÁNH


“Gia vị” tình làng nghĩa xóm

“Em gửi tặng lô mình 500 trứng gà ta. Mong mọi người mạnh khỏe, bình an”; “Gia đình em gửi tặng 180kg khoai, 60kg chanh, mỗi hộ một ít. Mời đại diện các tầng xuống sảnh nhận”; “Nhà em có ít bắp trái, nhà nào cần mọi người xuống sảnh nhận nhé”… là những chia sẻ của cư dân sống tại một chung cư trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TPHCM) sau khi có quyết định phong tỏa 2 tuần. Có khi chỉ là mớ hành lá, vài trái khổ qua, cà tím hay ổ bánh mì… nhưng vẫn thấy ấm áp. Nhận được đồ hỗ trợ, mỗi hộ chế biến những món khác nhau, khoe vào nhóm chung của chung cư trên mạng xã hội, và không quên gửi lời cảm ơn người tặng cùng lời nhắn: “Món ăn ngon lạ lùng vì có thêm gia vị tình làng nghĩa xóm”.

Trong thời điểm dịch bệnh, khi cùng sống trong những không gian khép kín như chung cư, sự sẻ chia càng trở nên đáng quý. Có nhiều gia đình tự thấy đã tạm đủ, nhường lại phần quà của mình cho các gia đình khó khăn hơn. Có người còn chia sẻ nhu yếu phẩm, thuốc men… cho gia đình có người mắc Covid-19 phải đi cách ly; đồng thời liên tục hỏi thăm, động viên và “thấy nhẹ người” khi cả gia đình đã có thể cách ly trong cùng một khu vực để tiện chăm sóc.

Trước đây, chuyện nhà nào biết nhà nấy không phải hiếm, có khi sống cùng tầng chỉ chào hỏi xã giao. Thế mà, những ngày dịch bệnh căng thẳng, những nhóm chung trên mạng xã hội đã kéo mọi người lại gần nhau hơn, cùng chia sẻ các thông tin và nhắc nhở nhau chấp hành tốt quy định phòng chống dịch. Các hộ còn thống nhất quy định về việc nhận đồ tiếp tế, đi thang máy hay đổ rác nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến không gian chung. Ngay cả những chuyện dễ gây xích mích như tiếng ồn, khói thuốc, nay cũng được góp ý nhẹ nhàng và dễ dàng cảm thông.

Chưa hết, ai có các đầu mối mua hàng liền thông tin, tình nguyện đứng ra đặt hàng. Hàng được giao tận cửa còn tiền được chuyển khoản, vừa tiết kiệm phí vận chuyển lại an toàn. “Nhà nào cũng có thành viên trong nhóm để có gì dễ chia sẻ, góp ý cùng nhau. Chỉ mong mọi người đoàn kết để cùng mạnh khỏe, vui vẻ hơn”, lời nhắn của một thành viên được đa phần các hộ đồng tình.

Chung tay trợ giúp

Cảm thương cho nhiều bé và mẹ bỉm sữa trong các khu cách ly, phong tỏa, một số thành viên của nhóm có tên “Làm mẹ sướng quá” trên facebook đã quyết định chung tay hỗ trợ: Người đứng ra kêu gọi quyên góp, người kết nối với các hoàn cảnh khó khăn hay tìm nguồn mua hàng trợ giá. Từ nguồn tiền và hàng hóa tiếp nhận được, nhóm chia thành từng phần quà (mỗi phần quà trị giá gần 1 triệu đồng), với sữa bột, sữa tươi, tã, đồ hộp, xúc xích, đồ ăn khô, vitamin C…

Là người phụ trách kết nối với các hoàn cảnh khó khăn, nhiều khi chị Vân Nguyễn (thành viên nhóm “Làm mẹ sướng quá”) không cầm được nước mắt bởi gặp nhiều hoàn cảnh đáng thương. Chị Vân Nguyễn chia sẻ: “Tụi em đều có xác minh các hoàn cảnh khó khăn để quà được đến tay người cần nhận. Còn gì vui hơn khi các con có sữa uống, có tã mặc, còn thêm đồ ăn chống đói. Tuy ít nhưng cũng phần nào động viên các gia đình có con nhỏ cố gắng vượt qua khó khăn do dịch bệnh”.

Là người đảm nhận công việc kết nối cho nhóm từ thiện “Bếp yêu thương”, chị Thùy Trang (chuyên viên truyền thông, ngụ quận 3, TPHCM) nhận thông tin các khu vực cần cứu trợ, xác minh, có khi tìm xe vận chuyển phụ. Làm công việc này dù không vất vả, khó khăn như các tình nguyện viên trực tiếp đi trao quà nhưng chị Thùy Trang cũng không ngơi tay. “Nhiều khi nghe điện thoại xong, em bật khóc. Em không nghĩ lại có nhiều hoàn cảnh khó khăn đến vậy”, chị Trang chia sẻ.

Hơn 1 tháng nay, anh Quốc Khánh vẫn phải vừa làm việc của công ty, vừa tham gia phụ cho bếp ăn từ thiện tại số 148 Nguyễn Thái Bình (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1). Mỗi ngày, bếp cung cấp 500-600 phần ăn cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn và Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 8. Nhóm từ thiện của Khánh gồm 6 thành viên: 1 người phụ trách ghi chép thu chi, 1 bếp trưởng, 3 bếp phụ, 1 người lo các công việc vòng ngoài. Quốc Khánh cho biết: “Ban đầu chúng tôi chỉ dự kiến nấu khoảng 200 suất ăn tặng các khu cách ly, nhưng sau đó được các nhà hảo tâm, bạn bè ủng hộ cả nhu yếu phẩm, tiền mặt nên quyết định duy trì bếp. Số phần ăn theo đó tăng dần. Toàn bộ thành viên đều ở lại bếp để thuận lợi cho công việc, trong đó đa phần dành 100% thời gian cho bếp”.

Dự kiến, bếp hoạt động đến khi hết giãn cách, sau đó sẽ duy trì nấu và phát đồ ăn miễn phí vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia công việc này. Ban đầu, mọi thứ khá vất vả khi công việc không xuể, thậm chí không tránh khỏi những va chạm giữa các thành viên. Tuy nhiên, khi nghĩ đến bên ngoài kia còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp, chúng tôi đều đồng lòng, cùng nhau vượt qua”, Quốc Khánh chia sẻ.

Theo SGGP
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: phunustyle@gmail.com

Phong Cách Phụ Nữ Online ©
Giấy phép ICP số 45/GP-TTĐT, cấp ngày 09/10/2016.
Email: phunustyle@gmail.com
Ghi rõ nguồn Phunustyle khi phát hành lại những thông tin này!
Liên hệ quảng cáo: Công ty truyền thông A.T.V
Địa chỉ: 111/2 Lê Quang Định, P.14, Bình Thạnh, TP. HCM
ĐT: 08.68014545 - Fax: 08.68014546