Tiền số chưa 'thông', ví điện tử có thể kích cầu du lịch quốc tế?


Trước thông tin Tổng cục du lịch của Thái Lan đang xem xét việc sử dụng tiền điện tử dành riêng cho khách du lịch, câu hỏi đặt ra là Việt Nam có nên học theo mô hình này để kích cầu du lịch, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát và các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa sản xuất trở lại?

Trao đổi với VnBusiness, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cấp phép sử dụng tiền kỹ thuật số nhằm kích cầu du lịch thời điểm này là chưa khả thi. Thay vào đó, cần sửa hành lang pháp lý về thanh toán quốc tế để các ngân hàng trong nước liên kết với các ví điện tử nước ngoài, từ đó sẽ hỗ trợ tích cực phát triển ngành du lịch, dịch vụ, thương mại điện tử…

Như VnBusiness đã đưa tin, Tổng cục du lịch của Thái Lan đang xem xét việc tung ra một mã thông báo kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành du lịch đối với tiền điện tử và giúp các nhà khai thác địa phương có được tính thanh khoản cao hơn. Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan, ông Yuthasak Supasorn, đã có cuộc thảo luận với Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan về ý tưởng sử dụng tiền điện tử. Nhờ loại tiền điện tử này, khách du lịch sẽ có thể chuyển đổi chứng từ thành mã thông báo kỹ thuật số.



Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, với sự phát triển của công nghệ, việc thanh toán xuyên biên giới hiện vô cùng dễ dàng.


Không khả thi

Trao đổi với VnBusiness, ông Lương Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Bạn đồng hành (Travelmate) cho hay, việc đưa đồng tiền điện tử vào nền kinh tế là phù hợp, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, ngành du lịch tại Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và đang trong giai đoạn bắt đầu phục hồi.

Tuy nhiên, để phù hợp hơn với chính sách pháp luật của Việt Nam, trước mắt, ông Tịnh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đơn vị cung cấp dịch vụ có thể thống nhất để cho ra đời 1 ví điện tử dành riêng cho khách du lịch. Cụ thể, khách du lịch có thể sử dụng ví điện tử này để thanh toán tất cả các sản phẩm dịch vụ du lịch.

Ở góc nhìn chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, phát triển tiền kỹ thuật số sẽ trở thành xu hướng chung của nền kinh tế trong tương lai. Thực tế, một số ngân hàng trung ương trên thế giới như Trung Quốc và Nhật Bản đã phát hành đồng tiền kỹ thuật số và đang trong thời gian thử nghiệm.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã giao cho NHNN là cơ quan chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain từ năm 2021 - 2023.

“Nếu sau thời gian nghiên cứu, tiền kỹ thuật số có thể phát hành ở Việt Nam và được xem như đồng tiền pháp định giống tiền giấy thì việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số để lưu chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác một cách dễ dàng, thuận tiện nhưng cũng rất nguy hiểm cho hệ thống tài chính quốc gia. Ví dụ như nguy cơ rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp từ buôn lậu", ông Hiếu cho hay.

Trở lại câu chuyện liệu để phát triển du lịch, Việt Nam có nên phát hành đồng tiền kỹ thuật số hay không? Ông Hiếu khẳng định không cần vì việc phát triển thị trường du lịch Việt Nam không dựa vào việc phát triển đồng tiền kỹ thuật số hay không, mà do nhiều yếu tố. “Hiện tại, Việt Nam không có tiền kỹ thuật số sử dụng blockchain, nhưng kể cả có tiền kỹ thuật số cũng không bổ trợ nhiều cho phát triển du lịch”, ông Hiếu nói.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, Việt Nam chưa công nhận tiền điện tử, nên việc triển khai là không khả thi lúc này.

Chờ "bật công tắc"

Thay vì phát hành tiền điện tử để kích cầu du lịch, các chuyên gia ngân hàng đề xuất, các ngân hàng trong nước liên kết với các ví điện tử nước ngoài và ngược lại, nhằm cung cấp dịch vụ thanh toán thuận lợi cho du khách cũng sẽ góp phần phát triển ngành du lịch.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, với hoạt động thanh toán quốc tế, ngân hàng trong nước chỉ được hợp tác với các ngân hàng, các tổ chức thẻ quốc tế…, chứ không được phép hợp tác với các giao dịch thanh toán quốc tế mới như ví điện tử, cũng chưa có quy định về việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng. Khoảng trống pháp lý này khiến NHNN không thể kiểm soát được dòng tiền “chui” đang chảy khỏi Việt Nam qua ví điện tử nước ngoài. Hiện tượng khách du lịch Trung Quốc thanh toán “chui” bằng Alipay, Wechat Pay diễn ra ở nhiều địa phương như Nha Trang, Quảng Ninh… trong thời gian qua là một ví dụ điển hình.

Trước thực trạng này, nhiều ngân hàng, trung gian thanh toán trong nước cũng gửi đề nghị lên NHNN, đề xuất hợp tác thanh toán với các ví điện tử như Alipay, Wechatpay (Trung Quốc), Unionpays, Nonghyup Bank (Hàn Quốc)..., nhằm phục vụ khách du lịch quốc tế.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank khẳng định, ngân hàng trong nước chưa thể liên kết với các ví điện tử nước ngoài như Wechat Pay, Alipay là do chưa có cơ sở pháp lý. “Chúng tôi sẵn sàng hết rồi, đã thông luồng rồi, chỉ chờ NHNN "bật công tắc' là có thể tiến hành ngay”, ông Hưng nói.

Mới đây, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Công ty Chuyển mạch Thái Lan (NITMX) chính thức công bố hoàn thành việc kết nối thanh toán bán lẻ sử dụng mã QR code giữa Việt Nam và Thái Lan trong việc thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch song phương cũng như việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán giữa Việt Nam và Thái Lan.

Theo đó, trong giai đoạn đầu của dự án, du khách Thái Lan có thể sử dụng ứng dụng trên điện thoại của Ngân hàng Bangkok quét mã VietQR để thanh toán cho hàng hóa dịch vụ tại các điểm chấp nhận thanh toán của TPBank và BIDV tại Việt Nam. Ngược lại, du khách từ Việt Nam sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động của TPBank và Sacombank quét mã ThaiQR để thanh toán cho hàng hóa dịch vụ tại các điểm chấp nhận thanh toán của Ngân hàng Bangkok tại Thái Lan.

Từ mô hình hợp tác này, nhiều chuyên gia cũng như các ngân hàng thương mại cho rằng NHNN cần sớm sửa đổi quy định để mở đường cho “làn sóng” bắt tay giữa các ngân hàng, fintech trong nước với các ví điện tử đình đám ở nhiều nước khác trên thế giới để hỗ trợ tích cực cho các ngành du lịch, dịch vụ, thương mại điện tử…

Theo vnbusiness.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: phunustyle@gmail.com

Phong Cách Phụ Nữ Online ©
Giấy phép ICP số 45/GP-TTĐT, cấp ngày 09/10/2016.
Email: phunustyle@gmail.com
Ghi rõ nguồn Phunustyle khi phát hành lại những thông tin này!
Liên hệ quảng cáo: Công ty truyền thông A.T.V
Địa chỉ: 111/2 Lê Quang Định, P.14, Bình Thạnh, TP. HCM
ĐT: 08.68014545 - Fax: 08.68014546