Giám sát thực hiện chính sách pháp luật về ATTP: Cần chỉ rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe trình bày và cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”. Thảo luận tại phiên họp, UBTVQH đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát theo hướng chỉ rõ kết quả, tồn tại hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương.

Hành lang pháp lý về ATTP tại nước ta không thiếu

Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó trưởng Đoàn giám sát Phan Xuân Dũng cho biết, giai đoạn 2011-2016, hệ thống pháp luật an toàn thực phẩm (ATTP) của Việt Nam đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước trung ương ban hành. Các địa phương đã ban hành hơn 1.250 văn bản quy phạm pháp luật nhằm chỉ đạo, điều hành công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp

Cùng với Luật an toàn thực phẩm, nhiều văn bản pháp luật khác cũng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như Hiến pháp, Luật thú y, Luật bảo vệ thực vật, Luật bảo vệ môi trường,… các văn bản hưởng dẫn thi hành đã tạo nên một hành lang pháp lý tương đối thuận lợi cho công tác quản lý ATTP.

Tán thành với nội dung báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, hành lang pháp lý về ATTP của nước ta không thiếu. Bên cạnh các luật chuyên ngành còn có các luật về xử lý. Trong điều 244 của Bộ luật hình sự hiện nay, nhóm tội vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, buôn lậu… bị phạt tù 1-5 năm, gây hậu quả rất nghiêm trọng từ 3-10 năm tù, đặc biệt nghiêm trọng phạt tù 7- 15 năm. Tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm… nhẹ nhất là phạt 2-7 năm tù. Đặc biệt nghiệm trọng còn có thể bị chung thân hoặc tử hình.

Với các quy định như hiện nay hoàn toàn đủ sức răn đe với các tội liên quan tới vấn đề ATTP. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Đoàn giám sát cũng như Chính phủ cần làm rõ các địa chỉ thực hiện tốt và chưa tốt chính sách, pháp luật về ATTP, từ đó xác định được trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.

Vi phạm an toàn thực phẩm là do xử lý chưa nghiêm

Tham dự phiên làm việc của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP là do xử lý chưa nghiêm, việc thực thi trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương chưa tốt... Theo Bộ trưởng cần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này, đồng thời lưu ý tới các giải pháp mang tính đột phá về bộ máy, con người, tài chính.

Liên quan đến tình trạng mất ATTP hiện nay, giải trình trước UBTVQH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng nguyên nhân chính không phải do luật mà do khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy cần phải có đánh giá thẳng thắn về năng lực thực hiện, chỉ rõ hạn chế trong hệ thống hành chính, kỷ cương hành chính không nghiêm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị chỉ rõ trách nhiệm của các địa phương làm chưa tốt

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Đoàn giám sát đánh giá sâu sắc hơn sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, đoàn thể trong thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP. Đánh giá vai trò của thông tin truyền thông bên cạnh việc phản ánh tình hình thực tế nhưng nhiều nội dung cũng khai thác quá mức gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân và uy tín sản phẩm xuất khẩu nước nhà. Đề nghị Đoàn giám sát có sự đánh giá khích lệ đối với sự tiến bộ trong quản lý, điều hành tại các địa phương có sự chuyển biến tích cực về ATTP bên cạnh chỉ rõ trách nhiệm của các địa phương làm chưa tốt.

Kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác của Đoàn giám sát; đồng thời đề nghị Đoàn giám sát nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của UBTVQH để hoàn thiện báo cáo giám sát trước khi trình lên Quốc hội. Theo đó, báo cáo cần làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP, chỉ ra các nguyên nhân để đề xuất các giải pháp khắc phục một cách chính xác, phù hợp. Đặc biệt, cần chỉ rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện chưa tốt và biểu dương những đơn vị, điển hình thực hiện tốt; tiếp tục rà soát thông tin, số liệu hoàn thiện báo cáo bảo đảm chặt chẽ, logic, rà soát các giải pháp đề xuất bảo đảm tính khả thi, hiệu quả phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế.

Theo Sức Khỏe.
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: phunustyle@gmail.com

Phong Cách Phụ Nữ Online ©
Giấy phép ICP số 45/GP-TTĐT, cấp ngày 09/10/2016.
Email: phunustyle@gmail.com
Ghi rõ nguồn Phunustyle khi phát hành lại những thông tin này!
Liên hệ quảng cáo: Công ty truyền thông A.T.V
Địa chỉ: 111/2 Lê Quang Định, P.14, Bình Thạnh, TP. HCM
ĐT: 08.68014545 - Fax: 08.68014546