Đề nghị sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia


Sáng 7-8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia”.



Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị, tính đến năm 2018, chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/ lao động, tương đương 4.521 USD/ lao động (theo giá hiện hành), cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011. Như vậy, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng bình quân 4,88%/năm trong giai đoạn 2011-2018 và riêng giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 5,77%/năm, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN (Singapore là 1,4%/năm; Malaysia là 2%/năm; Thái Lan là 3,2%/năm; Indonesia là 3,6%/năm; Phillipines là 4,4%/năm).

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của nước ta vẫn ở mức thấp. Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động nước ta đạt 11.142 USD thì chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Philippines.

Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước, theo đó, hơn bao giờ hết, việc cải thiện năng suất lao động của nước ta là nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới.

“Một lần nữa, bài toán tăng nhanh năng suất lao động được đặt ra và cần phải có lời giải một cách toàn diện hơn, gấp rút hơn, hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang dự kiến đặt mục tiêu phát triển cao trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Phân tích 4 nhân tố chủ yếu tác động đến năng suất lao động (cơ cấu lao động; các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; chất lượng nguồn nhân lực; hiệu quả quản trị doanh nghiệp), người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chúng ta cần đặc biệt lưu ý mối quan hệ tương hỗ giữa năng suất lao động và tăng trưởng GDP, tăng năng suất lao động phải gắn chặt với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế.

Trong số các giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng việc sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia là rất cần thiết, nhằm xây dựng bộ máy, cơ quan chuyên sâu về năng suất lao động; thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, cần khẩn trương xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động của Việt Nam với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để năng suất lao động của Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực.

Theo SGGP
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: phunustyle@gmail.com

Phong Cách Phụ Nữ Online ©
Giấy phép ICP số 45/GP-TTĐT, cấp ngày 09/10/2016.
Email: phunustyle@gmail.com
Ghi rõ nguồn Phunustyle khi phát hành lại những thông tin này!
Liên hệ quảng cáo: Công ty truyền thông A.T.V
Địa chỉ: 111/2 Lê Quang Định, P.14, Bình Thạnh, TP. HCM
ĐT: 08.68014545 - Fax: 08.68014546