Hành trình giành giật sự sống cho bệnh nhân 91


Bệnh nhân 91 - phi công người Anh - làm việc cho Hãng hàng không Vietnam Airlines. Đây không phải là bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Việt Nam nhưng là bệnh nhân duy nhất đến thời điểm này diễn biến bệnh vẫn rất nặng, mặc dù đã được xác định âm tính với SARS-CoV-2. Cho tới nay, hơn 2 tháng ròng rã, các thầy thuốc đã và đang tiếp tục vật lộn giành giật sự sống cho anh.

Giai đoạn khó khăn, căng thẳng

Ngày 18-3, bệnh nhân 91 được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM trong trạng thái sức khỏe bình thường. Nam bệnh nhân này bị nhiễm bệnh do có đến quán bar Buddha (phường Thảo Điền, quận 2) - nơi khởi phát ổ dịch Covid-19 lớn nhất trên địa bàn thành phố từ trước đến nay.

Trong những ngày đầu, bệnh nhân sức khỏe tốt, vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường như nhiều bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 khác. Có điều, bệnh nhân từ chối không sử dụng suất ăn bệnh viện cung cấp do không hợp khẩu vị, bệnh viện phải tìm đủ mọi cách đặt đồ ăn bên ngoài nhưng bệnh nhân này chỉ ăn chút ít và không chịu uống sữa.

Ngày 20-3, các xét nghiệm xác định nam phi công dương tính với Covid-19, là bệnh nhân 91 tại Việt Nam. Từ ngày 25-3, bệnh nhân 91 phải chuyển sang thở oxy qua mặt nạ. Đến ngày 5-4, phải thở máy xâm lấn và từ 6-4 phải can thiệp ECMO ngay tại phòng cách ly áp lực âm.


Bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (ảnh chụp ngày 25-5)

Nhớ lại giai đoạn này, chị Phạm Thị Tuyến, Điều dưỡng trưởng Khoa Nhiễm D cho biết, bệnh nhân 91 khá đặc biệt, bởi thời điểm mới nhập viện bệnh nhân này tỏ ra khó chịu, không ăn uống, không chịu hợp tác với đội ngũ y bác sĩ. “Mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân này rất khó khăn, dù lấy mẫu phết mũi hay lấy máu bệnh nhân đều không hợp tác, chúng tôi phải thuyết phục rất nhiều lần” - chị Tuyến kể lại những khó khăn ban đầu.

Thế rồi, chính sự nhỏ nhẹ, ân cần chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện, bệnh nhân bắt đầu hợp tác để các thầy thuốc chăm sóc, khám chữa bệnh. Lúc bệnh nhân cởi mở hơn, hợp tác với nhân viên y tế thì cũng là lúc bệnh bắt đầu có dấu hiệu trở nặng, suy hô hấp tăng dần, phải hỗ trợ thở oxy qua đường mũi. Kể từ đó, bệnh nhân 91 hoàn toàn nằm một chỗ, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch và các nhân viên y tế cũng phải chuyển sang chế độ chăm sóc đặc biệt hoàn toàn cho bệnh nhân này.


Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, người trực tiếp điều trị bệnh nhân 91, hồi tưởng những ngày đầu tiếp nhận bệnh nhân, không khỏi xúc động. “Cầm trên tay kết quả xét nghiệm dương tính của phi công người Anh, nhân viên phòng xét nghiệm lập tức cảnh báo chúng tôi phải cẩn thận. Bệnh nhân này mang tải lượng virus cao gấp nhiều lần người khác” - bác sĩ Phong nói.


Cũng trong thời gian này, một bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lây nhiễm Covid-19 trong quá trình làm việc. Bác sĩ Phong nhận định, đó là thời gian khó khăn, căng thẳng vì nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế cao hơn bất cứ lúc nào. Thế nhưng, với lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc, bác sĩ Phong và đồng nghiệp không nao núng tinh thần, song không thể không cảnh giác, thận trọng hơn.

Những người thầm lặng phía sau những quyết định

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết, bệnh nhân 91 có thể trạng béo phì khi cao 1,81m, nặng 100kg, đây là một trong những nguy cơ cao khi mắc Covid-19. Trong quá trình điều trị, hệ miễn dịch của bệnh nhân đã phản ứng quá mức với SARS-CoV-2, khiến cơ thể tiết ra nhiều chất cytokine chống lại cả những tế bào khỏe mạnh, ảnh hưởng đến phủ tạng.
"Nếu bệnh nhân hồi phục khỏe mạnh, đó là một kỳ tích. Đây là công sức và nỗ lực của nhiều cá nhân và tập thể, cả Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP và Bệnh viện Chợ Rẫy", TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu

Không chỉ chất cytokine, bệnh nhân 91 còn bị rối loạn đông máu, đồng thời mắc thêm hội chứng HIT (giảm tiểu cầu do dị ứng với thuốc chống đông heparin được dùng khi chạy ECMO). TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ, ở thời điểm lúc bấy giờ, các phác đồ điều trị Covid-19 trên thế giới cũng chưa thống nhất, do đó quá trình điều trị cho bệnh nhân này gặp muôn vàn khó khăn khi đội ngũ y bác sĩ phải vừa điều trị, vừa mày mò tìm tòi các phương án tiếp theo. Một nhóm chat online được thành lập, quy tụ những chuyên gia hàng đầu về chuyên ngành hồi sức, truyền nhiễm, huyết học, hô hấp, vi sinh lâm sàng, dược lâm sàng... tập trung theo dõi và hội chẩn về bệnh nhân 91.

Đây đều là các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM (như PGS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, TS-BS Phan Thị Xuân, TS-BS Nguyễn Văn Hảo, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu...). Tình hình bệnh nhân được cập nhật, thảo luận liên tục 24/7. Dù không trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, họ là những người thầm lặng đưa ra quyết định sống còn cho nam phi công.

Thông qua hội chẩn hàng ngày, khi bệnh nhân bắt đầu có phản ứng với thuốc kháng đông heparin, các bác sĩ quyết định sử dụng một loại thuốc mà ở Việt Nam chưa từng sử dụng, đó là thuốc kháng đông đường tĩnh mạch do Đức sản xuất. Bộ Y tế phải làm thủ tục nhập khẩu từ Đức.

“Trong hơn 10 ngày chờ đợi thuốc từ Đức nhập về, chúng tôi phải dùng tạm loại thuốc Xarelto chưa từng có trong phác đồ điều trị. Đây là thuốc điều trị và dự phòng huyết khối, ít ảnh hưởng rối loạn đông máu. 7 ngày đầu tiên bệnh nhân tương đối ổn định, nhưng sang đến ngày thứ 8, bắt đầu có những dấu hiệu rối loạn đông máu trở lại và thời gian này bệnh viện phải tìm đủ mọi cách để cầm cự. Rất may, đến ngày thứ 10, thuốc về đến Việt Nam thì tình hình bệnh nhân cũng dần ổn định” - bác sĩ Nguyễn Thanh Phong tiếp lời.


Ngoài việc tìm kiếm thuốc và các phương pháp điều trị thì quá trình 65 ngày bệnh nhân 91 nằm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP cũng là 65 ngày các nhân viên y tế ở đây mất ăn mất ngủ. Bên trong phòng cách ly áp lực âm, hầu như 24/24 giờ đều có người túc trực, sẵn sàng xử trí các tình huống, sự cố bất ngờ xảy ra đối với bệnh nhân này.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong kể: “Trong tuần đầu tiên chạy ECMO, chúng tôi gần như thức trắng liên tục, thỉnh thoảng chợp mắt một lúc cũng choàng tỉnh dậy, bởi mơ thấy bệnh nhân gặp sự cố”.

Kết thúc 65 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, chiều 22-5, bệnh nhân 91 được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị tiếp. Trong niềm vui vì bệnh nhân không còn virus SARS-CoV-2, nghĩa là bệnh nhân này đã hoàn toàn khỏi bệnh, họ luôn đặt trọn niềm tin Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi có những bác sĩ đầu ngành và trang thiết bị hiện đại chắc chắn sẽ giúp cho bệnh nhân nam phi công người Anh có những cơ hội hồi phục tốt hơn.

Theo SSGP
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: phunustyle@gmail.com

Phong Cách Phụ Nữ Online ©
Giấy phép ICP số 45/GP-TTĐT, cấp ngày 09/10/2016.
Email: phunustyle@gmail.com
Ghi rõ nguồn Phunustyle khi phát hành lại những thông tin này!
Liên hệ quảng cáo: Công ty truyền thông A.T.V
Địa chỉ: 111/2 Lê Quang Định, P.14, Bình Thạnh, TP. HCM
ĐT: 08.68014545 - Fax: 08.68014546