Hiện nay, TPHCM thực hiện mục tiêu kép là tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cử tri đề nghị Quốc hội và Chính phủ có những chính sách, giải pháp hỗ trợ TPHCM thực hiện mục tiêu kép nêu trên.
Sáng 6-10, Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị 4 tiếp xúc trực tuyến cử tri quận 12 trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Tham dự có các đại biểu: Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM; Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM; Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM.
Tổ Đại biểu Quốc hội TPHCM đơn vị 4 tại buổi tiếp xúc trực tuyến với cử tri quận 12. Ảnh: ĐÌNH LÝ
Cần có chính sách giữ chân người lao động
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Ngọc Huệ, khu phố 3, phường Đông Hưng Thuận cho rằng, hiện nay TPHCM thực hiện mục tiêu kép là tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội để tiến tới đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường. Vì vậy, cử tri đề nghị Quốc hội và Chính phủ có những chính sách, giải pháp hỗ trợ TPHCM thực hiện mục tiêu nêu trên. Cụ thể như hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh khôi phục sản xuất, giảm thuế, giảm lãi suất vay, hỗ trợ vốn... Chính phủ có gói an sinh hỗ trợ người dân các tỉnh ở lại TPHCM ổn định cuộc sống để thành phố giữ chân người lao động khi tái sản xuất.
Đồng quan điểm, cử tri Phạm Văn Miện, khu phố 9, phường Tân Chánh Hiệp phân tích, sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội khôi phục sản xuất kinh doanh sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất đang thiếu lao động lành nghề và phụ trợ. Vì vậy, cử tri đề nghị Quốc hội có quyết sách phù hợp hỗ trợ người lao động về chi phí thuê nhà để các doanh nghiệp giữ chân người lao động.
Cũng theo cử tri Phạm Văn Miện, sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách, tỷ lệ các ca F0 vẫn phát sinh ở khu dân cư và cần cán bộ tổ dân phố, khu phố tham gia hỗ trợ chăm lo cho các trường hợp này. Do đó, cử tri đề nghị Đoàn ĐBQH TPHCM có ý kiến với Quốc hội để có chính sách hỗ trợ cho lực lượng làm nhiệm vụ ở tổ dân phố, khu phố.
Quang cảnh buổi tiếp xúc trực tuyến với cử tri quận 12. Ảnh: ĐÌNH LÝ
Còn cử tri Nguyễn Ngọc Thụ, phường Thới An cho hay, hiện nay, dù TPHCM đã từng bước nới lỏng giãn cách mở cửa hoạt động trở lại nhưng tình hình dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Trong khi đó, một bộ phận lớn trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ, TPHCM nghiên cứu sớm triển khai tiêm vaccine cho các trường hợp này. Mặt khác, hiện nay sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách, việc quản lý người dân ra đường bằng thẻ xanh Covid-19 nên thành phố cần giao cho một đơn vị quản lý tránh để một số đối tượng lợi dụng gây khó khăn cho người dân.
Hỗ trợ tiêm vaccine, xét nghiệm cho người lao động
Thay mặt Tổ ĐBQH TPHCM, ĐB Trần Hoàng Ngân tiếp thu các ý kiến của cử tri để chuyển tải đến nghị trường của Quốc hội.
Về chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ĐB Trần Hoàng Ngân thông tin, hiện nay Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những văn bản chỉ đạo về hỗ trợ chính sách giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế, giảm phí, giảm nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất … Tới đây, các ĐBQH tiếp tục có ý kiến với Quốc hội và Chính phủ để mở rộng gói hỗ trợ này nhằm tăng cường thêm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Bởi vì, vừa qua, số doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động rất lớn. Đặc biệt, hộ kinh doanh cá thể đóng cửa trên 50%.
Vì vậy, theo ĐB Trần Hoàng Ngân, bài toán đặt ra thứ 2 mà cử tri đề cập là phải tăng thêm các gói an sinh xã hội là hoàn toàn đúng. Bởi vì, người dân trong 4 tháng không làm việc, ai ở đâu ở đó, dù cho cả hệ thống chính trị, lãnh đạo TPHCM, các sở, ban, ngành tăng cường các gói an sinh xã hội nhưng vẫn không thấm vào đâu với những khó khăn của người dân. Sắp tới, TPHCM tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ an sinh xã hội. “Nếu TPHCM không thu được ngân sách thì Trung ương sẽ mất đi 27%. Cho nên, cái quan trọng nhất là tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Đây là bài toán đặt ra đối với TPHCM, đó là giữ vững an toàn về y tế làm nền tảng từng bước mở rộng sản xuất để người dân có công ăn việc làm” - ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
ĐB Trần Hoàng Ngân phát biểu tại buổi tiếp xúc trực tuyến với cử tri quận 12. Ảnh: ĐÌNH LÝ
Về ý kiến liên quan việc TPHCM thiếu nguồn lao động khi mở cửa trở lại, ĐB Trần Hoàng Ngân nhìn nhận, thành phố có thiếu nguồn lao động. Tuy nhiên, hiện nay TPHCM đang trong giai đoạn từng bước mở lại sản xuất nên quy mô sản xuất trong doanh nghiệp chỉ ở mức 50%, từng bước nới ra 70%, 80%, 90% để đảm bảo mật độ lao động trong doanh nghiệp. Cho nên, với các DN hiện nay khi mở cửa hoạt động trở lại chưa thiếu lao động, nhưng trong tương lai sẽ thiếu. Do đó, lãnh đạo TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, các sở, ban, ngành TPHCM phối hợp với các tỉnh, thành Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long để khi mở rộng sản xuất đưa người lao động trở lại làm việc trên cơ sở đảm bảo an toàn, hỗ trợ tiêm vaccine, xét nghiệm.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, hiện nay số lượng F0 đang chăm sóc tại nhà rất lớn và lực lượng cơ sở là lực lượng chăm sóc các trường hợp này. Cho nên, sắp tới cần có chính sách dành cho lực lượng này. Do đó, chính quyền địa phương chia sẻ với HĐND TPHCM để giải quyết bài toán này, nhất là phải xem lại định biên ở cơ sở.
Liên quan ý kiến của cử tri về vấn đề học tập của học sinh, ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết, hiện nay TPHCM đang rà soát và có chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh ở công lập, dân lập. Đồng thời, TPHCM sẽ đầu tư cho hạ tầng số, hạ tầng công nghệ đảm bảo kết nối thông tin phục vụ việc học trực tuyến của học sinh.
Theo SGGP
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com