Chị A (33 tuổi) là một giáo viên. Chị đến với chương trình Người Thứ 3 để trải lòng về khoảng thời gian 5 năm trước, cuộc hôn nhân của chị đầy sóng gió vì có người thứ 3 chen vào.
Ngày trước, chị và anh đều làm chung cho một siêu thị ở Đà Nẵng, cả hai gặp rồi mến nhau. Anh hơn chị 9 tuổi nhưng rất trẻ trung và quan tâm chị. Chị gật đầu đồng ý kết hôn sau một năm tìm hiểu. Sau khi chuyển qua làm công việc khác, anh bắt đầu có những thay đổi, đi nhậu nhiều hơn, tan ca về trễ hơn mọi ngày. Kiểm tra điện thoại của anh đột xuất, chị phát hiện tin nhắn của một lễ tân làm chung ca đêm. Chị gọi điện thoại trực tiếp cho cô lễ tân đó bằng số của mình để thăm dò nhưng bên kia không bắt máy.
Chưa dừng lại ở đó, anh và cô lễ tân hẹn nhau đi cà phê và vô tình bị người nhà chị phát hiện, chụp lại hình họ thân mật. Một lần khác, anh tổ chức sinh nhật cho cô ta với một số đồng nghiệp trong công ty và có những cử chỉ thân mật như hai người yêu nhau. Vô tình, những người em của chị lại nhìn thấy và thông báo cho chị.
Chị kể: “Lúc đó anh bất ngờ nhưng cố chối cãi. Tôi chẳng nói lời nào, nhưng mấy đứa em tôi, trong đó có em ruột của anh, thì tranh cãi với cô ta. Lời qua tiếng lại, cô ta có những cử chỉ và phát ngôn xấc xược như “làm vợ không được thì để tôi làm”, khiến em tôi tức giận dẫn đến ẩu đả. Lúc đó, một chị đồng nghiệp tới chỉ tận mặt cô ta, bảo trước đây cô này cũng hay lăng nhăng với mấy người đã có vợ trong công ty. Một lúc sau, sếp của anh tới, khuyên cả hai về nhà giải quyết chuyện riêng tư, cuộc “đánh ghen” mới kết thúc”.
Trên đường về nhà, anh trách chị hành xử “chợ búa” làm mất mặt anh trước mặt đồng nghiệp, trong khi từ đầu đến cuối chị không nói lời nào. Sự việc vỡ lở, ba gia đình đều biết chuyện. Ba mẹ của lễ tân đến tận nhà của chị để gặp mặt người lớn và nói lời xin lỗi. Nhưng cô ta cứng đầu, bảo sẽ không bỏ anh. Trước mặt người lớn, anh lên tiếng xin lỗi và khẳng định sẽ chọn vợ con. Anh bẻ sim trước mặt cô ta và mọi người với lời hứa sẽ cắt đứt liên lạc.
Tưởng chừng mọi chuyện đã kết thúc, thời gian sau, chị phát hiện anh đứng tên một chiếc xe Vespa. Chị tra hỏi thì anh trả lời là đứng tên mua xe trả góp hộ cho một người bạn vì bạn nợ xấu. Chị sinh nghi nên điều tra phát hiện cô lễ tân là người đang sử dụng chiếc xe đó. Cả hai giằng co đòi lại tài sản. Ba mẹ của cô gái đó một lần nữa đứng ra giải quyết, hẹn chị tới để tận tay trả lại chiếc xe vốn không phải là tài sản của con gái mình.
Nghe tới đây, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A nặng lòng nhận xét: “Thực ra phận người làm cha mẹ cũng khó khăn khi gặp phải tình huống như vậy, đôi khi họ không chủ đích dạy con mình làm điều đó và cũng không có ba mẹ nào dạy con làm như vậy, quan trọng là con cái có tiếp nhận những sự dạy dỗ của ba mẹ là một vấn đề khác nữa".
Thời gian sau đó, cô lễ tân vẫn tiếp tục tìm đến anh. Cô ta tìm được số liên lạc mới của anh và nhắn tin mong nối lại mối tình ngang trái. “Đôi lúc tôi chán nản và mệt mỏi vì sự dai dẳng của cô gái kia và chồng mình không dứt khoát. Tôi từng nghĩ đến việc giải thoát cho cả hai, nhưng vì con, vì hai bên gia đình khuyên răn nên tôi không đành", chị A tâm sự.
Để củng cố niềm tin cho vợ, anh quyết định nghỉ làm để chuyển sang nơi khác, tránh sự quấy rối của tình nhân cũ. Nhận thấy chồng thay đổi, chị cũng khắc phục tính khí nóng nảy để hai người hiểu nhau và bỏ qua những lỗi lầm của quá khứ, mọi chuyện kết thúc suôn sẻ sau một năm biến cố.
Cuối chương trình, chị A từ chối bật đèn. Chị hy vọng gia đình nhỏ của chị tiếp tục an yên, vợ chồng nhường nhịn nhau để giữ lửa hạnh phúc gia đình.
Thy Nhân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com