Sau khi Triều Tiên bắn thử hai tên lửa hành trình vào ngày 17-8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết, Seoul không có kế hoạch theo đuổi biện pháp răn đe hạt nhân đối với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục các biện pháp cứng rắn với Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: REUTERS
Sáng kiến “táo bạo và toàn diện”
Ngày 18-8, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young-se cho biết, chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ cố gắng tạo điều kiện để Triều Tiên chấp thuận “sáng kiến táo bạo và toàn diện” nhằm hỗ trợ nước này phát triển kinh tế để đổi lấy việc Bình Nhưỡng thực hiện các bước hướng tới phi hạt nhân hóa. Ông Kwon cho biết thêm, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch gửi các thông điệp cụ thể hơn tới Triều Tiên, đồng thời tiến hành tham vấn với các nước như Mỹ và Trung Quốc.
Trong bài phát biểu nhân dịp lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng hôm 15-8, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã công bố một số chi tiết về “sáng kiến táo bạo và toàn diện”. Theo nhật báo Korea JoongAng, “sáng kiến táo bạo và toàn diện” của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol là một lộ trình toàn diện để cải thiện nền kinh tế của Triều Tiên theo từng giai đoạn, nếu Bình Nhưỡng thực hiện các bước quan trọng đối với phi hạt nhân hóa.
Ông Yoon nhấn mạnh rằng, đề xuất này không yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước mắt mà chỉ cần các bước đi thể hiện sự kiên định với việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ Triều Tiên theo từng giai đoạn.
Ngoài ra, ông Yoon cũng cho biết, kế hoạch của ông là nhằm hỗ trợ ngoại giao cho việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều Tiên và khuyến khích các cuộc thảo luận về việc giải trừ các hệ thống vũ khí thông thường, các chương trình trao đổi lương thực, công nghệ nông nghiệp, y tế, các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư quốc tế.
Mỹ tiếp tục gây sức ép
Trái với chính sách mềm mỏng của Tổng thống Hàn Quốc, Mỹ vẫn tỏ ra cứng rắn với Bình Nhưỡng. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Triều Tiên cho đến khi nước này thay đổi hành vi và tham gia vào đối thoại. Ông Ned Price đưa ra tuyên bố này sau khi Triều Tiên bắn hai tên lửa hành trình, đánh dấu sự phô diễn lực lượng lần thứ 19 trong năm nay và lần đầu tiên kể từ tháng 6.
Hơn thế nữa, Mỹ và Hàn Quốc sẽ bắt đầu cuộc tập trận quân sự tổng hợp lớn nhất trong nhiều năm qua với tên gọi Lá chắn tự do Ulchi, dự kiến diễn ra từ ngày 22-8 đến ngày 1-9 tại Hàn Quốc. Cuộc tập trận có sự tham gia của máy bay, tàu chiến, xe tăng và hàng chục ngàn quân. Các cuộc tập trận nhấn mạnh cam kết của Washington và Seoul trong việc khôi phục hoạt động huấn luyện quy mô lớn sau khi họ hủy bỏ một số cuộc tập trận thường xuyên và thu hẹp các cuộc tập trận khác xuống mức độ mô phỏng trên máy tính trong những năm gần đây để tạo không gian cho ngoại giao với Bình Nhưỡng và vì những lo ngại về Covid-19.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết, Hải quân Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tham gia các cuộc tập trận cảnh báo tên lửa và tìm kiếm, theo dõi tên lửa đạn đạo ngoài khơi Hawaii từ ngày 8 đến 14-8, mà họ nói là “nhằm thúc đẩy hợp tác ba bên”.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi một bức thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhân kỷ niệm 77 năm ngày Nhật Bản chấm dứt chiếm đóng bán đảo Triều Tiên.
Ông Putin cho biết, Nga và Triều Tiên sẽ “tiếp tục mở rộng quan hệ song phương toàn diện và mang tính xây dựng với những nỗ lực chung”, đồng thời nói thêm rằng điều này sẽ giúp tăng cường an ninh, ổn định của bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á.
T.H
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com