Tuần này, chương trình Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề cần lưu tâm khi tham gia các hội nhóm tự phát trên mạng xã hội và khi sử dung túi nilong để gói, đựng thực phẩm.
Cẩn trọng với các hội nhóm tự phát trên mạng xã hội
sinh viên các trường đại học, cao đẳng, thậm chí mạo danh giảng viên đều là tầm ngắm của các đối tượng xấu
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm tự phát, mạo nhận là hội sinh viên các trường đại học, cao đẳng, thậm chí mạo danh giảng viên, nếu không cẩn trọng thì rất dễ rơi vào bẫy của đối tượng xấu. Để lấy lòng tin, những đối tượng xấu còn đóng giả là các sinh viên khóa trên, mời các bạn sinh viên vào nhóm nhằm giới thiệu các hoạt động ngoại khóa, giao lưu. Sau khi quen dần, những tân sinh viên nhẹ dạ cả tin sẽ bị lấy cắp thông tin như số điện thoại, căn cước công dân nhằm mục đích xấu.
Chia sẻ về vấn đề gây bất an cho nhiều người dân hiện nay, anh Ngô Minh Hiếu (thuộc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Các đối tượng xấu có thể dẫn dụ những sinh viên cả tin để lừa đóng tiền học phí, thu thập thông tin dữ liệu cá nhân, ngoài ra có thể dẫn dụ sinh viên ấn vào những đường truy cập giả mạo để lấy cắp tài khoản mạng xã hội nhằm mục đích xấu”.
Ngoài những hành vi kể trên, các đối tượng còn giả mạo giảng viên, lợi dụng sự tín nhiệm để bán các khóa học, giới thiệu việc làm và cho thuê phòng trọ, tất cả đều là chiếc bẫy được chuẩn bị sẵn chỉ chờ con mồi sa lưới.
Thạc sĩ Bùi Quang Đông (Trưởng phòng công tác sinh viên, Trường Đại Học Kinh tế Tài chính TP.HCM) khuyên các bậc phụ huynh và các tân sinh viên nên xác thực kỹ các trang thông tin trường đại học thông qua website và số hotline do nhà trường cung cấp. Trong trường hợp cần thêm nguồn thông tin, sinh viên có thể liên hệ trực tiếp tại trường để được trực tiếp tìm hiểu.
Cẩn trọng khi sử dụng túi nilong để gói, đựng thực phẩm
Túi nilong hay còn gọi là bao bì plastic được sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng túi nilong không đạt tiêu chuẩn và không đúng cách, về lâu dài có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Khánh Sơn (Phó Trưởng Khoa Công nghệ Hóa Học và Thực phẩm, trường ĐH SPKT TP.HCM), hạt nhựa nguyên sinh (100% hạt nhựa tự nhiên) có độ an toàn cao để chứa thực phẩm, bù lại giá thành khá cao. Để giảm giá thành, nhựa tái chế được sử dụng phổ biến vì giá thành rẻ hơn nhiều so với nhựa nguyên sinh, đồng nghĩa với việc có thể đi kèm các tạp chất không xác định vì đã được sử dụng trước đó, gây nguy cơ bội nhiễm thực phẩm mà người dùng đang đóng gói.
Để lưu ý đối với người tiêu dùng khi sử dụng túi nilong, tiến sĩ Đặng Minh Khánh (thuộc Khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn) khuyên: “Đối với những thực phẩm cần bảo quản, người tiêu dùng nên đun nóng sơ để tiêu diệt vi sinh vật, sau đó sử dụng màng bọc thực phẩm được làm từ nhựa PE (PolyEthylen) để bọc kín, có thể bảo quản từ 2 – 3 ngày trong ngăn mát”. Đối với việc gói, đựng những thực phẩm nóng, có thể xảy ra các phản ứng hóa học với các phụ gia trong nhựa, mặc dù ảnh hưởng của các hạt vi nhựa không xảy ra tức thời, nhưng về lâu dài lại để lại những biến chứng vô cùng xấu đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1
Thiên Ân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com