Theo chia sẻ của diễn giả Hồ Nhựt Quang, cách để dễ nhớ tên các bài bản Tổ đờn ca tài tử Nam Bộ chính là liên tưởng đến quá trình làm nông, vì trong đó chứa đựng cuộc sống, phản ánh quan điểm, triết lý sống của người dân về thiên nhiên.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang. Ảnh: NSX.
Sau chủ đề giới thiệu Đôi nét về đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang trở lại chương trình Kính đa chiều để tiếp tục bàn về các bài bản Tổ của loại hình nghệ thuật này - một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang tiết lộ, các nghệ sĩ thường biểu diễn 20 bài bản Tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử. Từ những bài bản này, nhiều người sáng tạo thêm nhiều thể điệu mới, làm kho tàng đờn ca tài tử Nam Bộ ngày càng phong phú.
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ, để có thể dễ ghi nhớ tên các bài bản Tổ, có thể liên tưởng 6 bài Bắc là hành trình phản ánh nền nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, Lưu thủy có nghĩa là dòng nước chảy dài. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng để hình thành nền văn minh nông nghiệp. Do đó, bài Lưu thủy ra đời đầu tiên.
Sau khi có nước thì cây cũng dần xanh nên có sự ra đời của bài Phú lục. Vào mùa xuân, cây xanh tốt, tức cảnh sinh tình từ đó hình thành nên bài Xuân tình.
Theo diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, Xuân tình có nghĩa là cây đang độ xuân. Khi cây đến giai đoạn trưởng thành, vừa trẻ lại vừa già thì xuất hiện bài Bình bán. Rồi cây cũng đến lúc già nua, lá rụng về cội như con người ở tuổi xế chiều thì có bài Cổ bản tượng trưng cho sự hoài niệm ngày xưa.
Cuối cùng, bài Tây thi có nghĩa chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo vì trong chữ Nho, từ “thi” còn có nghĩa là tích hạt để gieo cho mùa sau và “Tây” là hướng của mặt trời lặn, buổi về chiều.
Một giả thuyết khác cho rằng ngày xưa, các nghệ sĩ đờn ca tài tử có dịp sang Tây để thi đấu xảo nên đã sáng tác bài Tây thi trong đêm nhạc đó.
Thiên Ân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com