Vận động viên Phạm Văn Mách tiết lộ bộ môn thể hình ở Iran có sức hút mãnh liệt tương tự bộ môn bóng đá ở Việt Nam. Đến mức, khi nam vận động viên tản bộ sau hôm thi đấu ở Iran thì nhận được sự reo hò cổ vũ nồng nhiệt từ người dân nước này.
Xuất hiện trong chương trình “Kính đa chiều”, lực sĩ Phạm Văn Mách nhấn mạnh rằng, để đạt được thành công trong thể hình, vận động viên phải tập luyện thường xuyên và liên tục. Không giống như nhiều môn thể thao khác, thể hình đòi hỏi sự duy trì tập luyện đều đặn để định hình cơ bắp. Nếu ngừng tập luyện chỉ trong vài ngày, động lực của vận động viên có thể bị giảm, dẫn đến tình trạng lười tập. Vì động viên thể hình phải tập luyện nặng nhọc nên những cơn đau nhức kéo dài cả tuần, khiến cơ thể cảm thấy khó chịu, dễ dẫn đến nản chí nếu ngừng tập. Song, vận động viên thể hình vẫn có thể thi thoảng nghỉ ngơi 1 – 2 ngày và trở lại tập luyện sau đó.
Theo chia sẻ của lực sĩ Phạm Văn Mách, nếu không thuộc giai đoạn thi đấu, một ngày anh dành khoảng 2 tiếng để tập luyện thể hình. Trong hai tiếng tập luyện này, Phạm Văn Mách tập trung vào 2 – 3 nhóm cơ. Mỗi nhóm cơ thực hiện khoảng 4 động tác. Mỗi động tác kéo dài nhiều set tập với trọng lượng tạ tăng dần. Đặc biệt, set tập cuối cùng phải đạt trọng lượng tối đa mà cơ thể có thể chịu đựng, nhằm thúc đẩy cơ bắp phát triển hết mức. Đối với các động tác tập nặng, cần có người hỗ trợ để đảm bảo an toàn, tránh các tai nạn rủi ro. Vận động viên Phạm Mách Mách bộc bạch: “Một set khoảng 3 – 4 bánh tạ là muốn xỉu rồi, kinh khủng lắm. Trong thời gian nuôi cơ, chúng tôi phải tập nặng nhất có thể với những bài tập compound (bài tập đa khớp) thì cơ bắp mới bung ra”.
Có thể thấy, quá trình luyện tập của một vận động viên thể hình trình khổ luyện. Bên cạnh sự kiên trì, đam mê, nỗ lực không ngừng nghỉ, bộ môn thể hình còn đòi hỏi sức lực và sự tập trung cao độ. Ngoài tập luyện, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi cũng đóng vai trò quan trọng đối với vận động viên thể hình. Một vận động viên thể hình chuyên nghiệp cần có một chế độ ăn đặc biệt, thường dao động từ 3 – 6 bữa mỗi ngày để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất cho cơ bắp phát triển. Việc nghỉ ngơi cũng cực kỳ quan trọng, vì trong quá trình nghỉ ngơi, cơ thể sẽ phục hồi và xây dựng lại cơ bắp. Nếu cơ thể thiếu ngủ hoặc nghỉ ngơi không đủ sẽ làm giảm hiệu quả của quá trình nuôi cơ.
Nếu như đấu võ có đối thủ hay đá bóng có đồng đội, thì bộ môn thể hình đặc thù không có đối thủ đối kháng trực tiếp hay đồng đội để sẻ chia niềm vui, nỗi buồn. Điều này dễ dàng dẫn đến cảm giác cô đơn và buồn chán. Chính vì vậy mà vận động viên thể hình Phạm Văn Mách gọi đây là môn thể thao tự lực cánh sinh và đùa rằng đây là lý do các vận động viên thể hình đều là người hiền lành.
Trước sự so sánh của đạo diễn Lê Hoàng về bộ môn bóng đá và thể hình, vận động viên Phạm Văn Mách thừa nhận bản thân có chút thiệt thòi. Trong khi các vận động viên bóng đá đều giàu có, nhận được lương cao và nổi tiếng thì vận động viên thể hình lại trái ngược. Dù Phạm Văn Mách từng nhiều lần đạt vô địch thể hình thế giới thì cũng không nằm ngoài ngoại lệ.
Dẫu không được truyền thông và nhà tài trợ chú ý nhiều như các môn thể thao bóng đá hay tennis, nhưng Phạm Văn Mách cho rằng khi anh đã định danh bản thân trong bộ môn thể hình thì sẽ có nhiều cơ hội, lợi thế khác đi cùng. Chẳng hạn, nam vận động viên thể hình có thể tận dụng tên tuổi để kinh doanh hoặc quảng cáo.
Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng ít quan tâm đến bộ môn thể hình. Theo lời kể của Phạm Văn Mách, khi nam vận động viên thi đấu ở Iran, sân đấu lúc nào cũng đông khán giả. Sau trận đấu một hôm, Phạm Văn Mách quyết định dạo phố và bất ngờ được nhiều người chào đón, cổ vũ. Sau đó, anh phát hiện hầu hết các báo của Iran đều đăng tin về bộ môn thể hình ở đầu trang. Theo nam vận động viên, bộ môn thể hình được người dân Iran đánh giá cao và có sức hút tương tự bộ môn bóng đá ở Việt Nam.
Đặc biệt, lực sĩ Phạm Văn Mách tiết lộ trong các giải đấu thể hình thế giới thường không có tiền thưởng mà chỉ có huy chương, cúp chiến thắng. Nam khách mời bật mí: “Các giải tổ chức trực thuộc Liên đoàn châu Á, Liên đoàn thế giới hay Olympic Games thì không có tiền thưởng, chỉ có mỗi cúp, huy chương. Khi về thì tự mỗi quốc gia thưởng cho vận động viên”. Theo Phạm Văn Mách, giải đấu có tiền thưởng chủ yếu đến từ các giải do tập đoàn, công ty tư nhân tổ chức. Những giải đấu này thường quy tụ nhiều vận động viên nổi tiếng và là nơi để truyền thông cho thương hiệu tổ chức.
“Kính đa chiều” – chủ đề tiếp theo Nghệ thuật múa rối truyền thống và đương đại với sự tham gia của host Minh Đức và nghệ sĩ múa rối Ngọc Tuấn sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 19/6 trên kênh VTV9.
Thiên Ân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com