Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã chia sẻ những ký ức tươi đẹp về Tết Trung thu thời thơ ấu của anh. Đây chính là nguồn cảm hứng để anh gửi trọn của tuổi thơ của mình vào các ca khúc thiếu nhi.
Ký ức về mùa trung thu luôn là những dấu ấn khó phai trong tuổi thơ của mỗi người, từ những đêm rước đèn đến những khoảnh khắc quây quần bên gia đình. Xuất hiện trong chương trình Kính đa chiều, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ về những ký ức trung thu trong tuổi thơ cũng như những đổi thay của ngày Tết Trung thu ngày nay.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ về nguồn cảm hứng để anh sáng tác những ca khúc thiếu nhi
Nhớ lại Tết Trung thu thơ ấu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung hồi tưởng về những ngày anh được mẹ chở ngang phố lồng đèn ở quận 5 (TP.HCM). Khi đó, mẹ của nam nhạc sĩ bán tạp hóa nên thường lấy hàng ở Chợ Lớn (quận 5). Vì vậy, những khi đến trung thu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vẫn hay nhảy tót lên xe để được mẹ chở ngang phố lồng đèn rực rỡ sắc màu. Đối với nam nhạc sĩ, những ký ức trung thu ngày ấy vẫn vẹn nguyên cho đến hiện tại.
Theo thời gian, cách đón Tết Trung thu của trẻ em ngày nay cũng dần thay đổi. Theo quan sát của host Minh Đức, phố lồng đèn là một địa điểm thu hút nhiều người nhưng đa phần lại là người lớn. Từ đó, host Minh Đức ngại về việc trẻ em không còn “mặn mà” với những chiếc đèn lồng truyền thống, thay vào đó là các trò chơi, thiết bị điện tử, di động hiện đại. Giải thích về hiện tượng trên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng nguyên nhân không phải do trẻ con mà do ba mẹ không dành thời gian chở con đến phố lồng đèn, tham gia những hoạt động truyền thống. Tác giả ca khúc Nhật ký của mẹ tin rằng nếu các bậc phụ huynh dành thời gian cùng con đến phố lồng đèn hay kể con nghe những câu chuyện kỷ niệm xưa thì các bé cũng sẽ cảm nhận được giá trị và nét đẹp của Tết Trung thu.
Đối với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Tết Trung thu còn đặc biệt thú vị hơn cả ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 vì mang đậm nét đặc trưng như rước đèn, ăn bánh trung thu,… Do đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng nếu duy trì những hoạt động truyền thống thì trẻ em cũng sẽ yêu thích Tết Trung thu.
Ngoài ra, ký ức về những vật phẩm nhỏ bé như lồng đèn hay bánh trung thu ngày xưa cũng rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của trẻ em. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhớ lại đồ chơi ngày trước không được đẹp và đa dạng như hiện tại. Vì vậy, một chiếc lồng đèn hay chỉ là một lon sữa cắm đèn cầy đã là món đồ chơi thú vị. Ngày nay, trẻ em được tiếp xúc với nhiều món đồ chơi đẹp mắt hơn, được làm tỉ mỉ hơn nên lồng đèn truyền thống không còn đủ sức hấp dẫn như trước.
Tuy nhiên, nam nhạc sĩ tin rằng nếu ba mẹ dành thời gian chơi cùng con, làm lồng đèn từ giấy kiếng hoặc cùng con rước đèn trong đêm trung thu sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp và đáng nhớ trong ký ức của trẻ thơ.Một bản sao của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung xuất hiện trên truyền hình dịp trung thu
Và chính những kỷ niệm tươi đẹp thời thơ ấu trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác những ca khúc thiếu nhi về Tết Trung thu. Nam nhạc sĩ bày tỏ muốn giữ gìn những điều đẹp đẽ nhất của tuổi thơ lẫn những nét đẹp truyền thống văn hóa Tết Trung thu qua những bài hát mà anh viết nên. Mùa trung thu cũng là niềm cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết nên ca khúc không chỉ được các em nhỏ yêu thích mà còn gợi lại ký ức thơ ấu của người lớn như Chú Cuội chị Hằng, Lồng đèn trung thu, Lá đa thần kỳ, Ngắm trăng, Bé đón trung thu… Nam nhạc sĩ cũng đầu tư làm MV hoạt hình để các bé có góc nhìn sinh động hơn về những bài hát này, bởi theo anh, hình ảnh về Tết Trung thu truyền thống đang dần trở nên khó tìm.
Không chỉ riêng Nguyễn Văn Chung, nhiều nghệ sĩ khác cũng chia sẻ về ký ức trung thu trong chương trình Kính đa chiều. Trong đó, nghệ sĩ cải lương Hoài Thanh kể ngày xưa ông rất thích Tết Trung thu và thường xách lồng đèn ngôi sao, nhiều người còn làm cả lồng đèn chiếc tàu hoặc con cá. Nam nghệ sĩ cũng không quên nhắc đến những trò nghịch ngợm của những anh chàng khi dùng giàn thun làm thủng lồng đèn của mọi người. Dù vậy, những trò tinh nghịch ấy vẫn là một phần ký ức vui vẻ, gắn liền với tuổi thơ về Tết Trung thu của nghệ sĩ Hoài Thanh.
Nghệ sĩ Hoài Thanh
Về phía nghệ sĩ Ngân Quỳnh, cô vẫn còn nhớ vào năm 6 tuổi được ba mua cho một chiếc lồng đèn hình con gà và hai bộ quần áo mới, một bộ màu tím và một bộ màu vàng. Tuy nhiên niềm vui ấy không bao lâu đã bị nhóm con trai phá phách làm cháy lồng đèn. Nữ nghệ sĩ kể: “Lồng đèn mới đi chơi một đêm thôi đã bị tụi con trai làm cháy, thế là khóc quá trời. Tôi nhớ Tết Trung thu đi rước đèn thì ít nhưng nhóm làm cho cháy đèn thì nhiều”.Nghệ sĩ Ngân Quỳnh - Ảnh: NVCC
Nghệ sĩ Đình Toàn cũng có những ký ức đặc biệt về trung thu. Theo nam nghệ sĩ, phá cỗ trung thu thường phổ biến ở miền Bắc hơn là miền Nam. Mâm cỗ Tết Trung thu thường là trái cây, bánh kẹo được chuẩn bị kỹ lưỡng để cúng bái trời đất. Sau đó, cả gia đình sẽ cùng quây quần bên mâm cỗ, cùng ăn bánh uống trà và chuyện trò, trong khi trẻ con thì nô đùa rước đèn.
Nghệ sĩ Đình Toàn
Đặc biệt, trong mâm cỗ ngoài bánh trái còn có một chú chó bưởi. Để làm chú chó này, người ta lột vỏ bưởi, tách múi bưởi, tỉa thành hình chú chó lông xù rồi dùng hạt đậu đen để làm mắt và mũi, trông rất đáng yêu. Nghệ sĩ Đình Toàn cũng không ngoại lệ khi rất thích chú chó bưởi và tiết lộ ai nấy đều tranh nhau để ăn phần bưởi đó.
Những kỷ niệm về Tết Trung thu không chỉ là niềm vui sở hữu những chiếc đèn lồng mà còn là khoảnh khắc sum vầy, đoàn viên bên cạnh gia đình và bạn bè. Chính những kỷ niệm ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn của nhiều người và làm cho Tết Trung thu trở nên ý nghĩa hơn.
Thiên Ân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com