Chiều 12-3, tại Hà Nội, chương trình trưng bày “Những mảnh ghép sẻ chia từ hy vọng” đã khai mạc với nhiều tác phẩm nghệ thuật tranh ghép lụa do những người thợ thủ công khuyết tật thực hiện.
Các tác phẩm trưng bày là những bức tranh ghép lụa độc đáo do những người thợ thủ công khuyết tật của Vụn Art chế tác từ những mảnh lụa vụn Vạn Phúc. Các tác phẩm được chuyển thể từ bộ tranh vẽ tái hiện hình tượng linh vật rắn năm Ất Tỵ của các họa sĩ nổi tiếng như: Lê Huy Văn, Lê Thiết Cương và Nguyễn Văn Trường, phản ánh sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật truyền thống và sáng tạo đương đại.
Chương trình trưng bày cũng là dịp để tri ân các họa sĩ, người nổi tiếng đã đồng hành, hỗ trợ những người khuyết tật trong suốt thời gian qua; đồng thời giới thiệu đến công chúng sự sáng tạo, tài năng, nghị lực phi thường của những người thợ thủ công đặc biệt này. Từ những mảnh lụa vụn, những người thợ đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa, mang thông điệp về sự thấu cảm và niềm hy vọng.

Các đại biểu cắt băng khai mạc chương trình trưng bày “Những mảnh ghép sẻ chia từ hy vọng”.
Phát biểu khai mạc chương trình, anh Lê Việt Cường, người sáng lập Vụn Art mong muốn thông qua chương trình trưng bày lần này sẽ lan tỏa thông điệp rằng khi chúng ta đặt niềm tin và kiên trì đồng hành cùng những người khuyết tật thì họ có thể làm một điều gì đó thay đổi chính cuộc đời mình giống như việc sáng tạo tác phẩm nghệ thuật từ những mảnh lụa vụn tưởng như không còn giá trị.

Anh Lê Việt Cường, người sáng lập Vụn Art phát biểu tại lễ khai mạc.
“Trong nhiều năm qua, chúng tôi nhận ra sự đồng hành của các họa sĩ đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định để có thể duy trì và phát triển dự án như ngày hôm nay, giúp những người khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống, cũng như việc nâng cao chất lượng sản phẩm nghệ thuật tới tay khách hàng", anh Lê Việt Cường cho biết.
Không chỉ dừng lại ở các bức tranh ghép lụa, sự kiện còn giới thiệu các sản phẩm ứng dụng từ những tác phẩm nghệ thuật này như áo dài, áo phông, túi vải, vỏ gối... Những sản phẩm không chỉ chứa đựng giá trị nghệ thuật mà còn gần gũi với đời sống, mang đến một cách tiếp cận sáng tạo và thiết thực để đưa nghệ thuật vào cuộc sống thường ngày.

Họa sĩ Lê Huy Văn chia sẻ cảm xúc tại chương trình.
Họa sĩ Lê Huy Văn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cảm thấy tự hào khi những tác phẩm của ông được những người thợ thủ công tái hiện lại vô cùng sinh động, độc đáo. Đây là minh chứng cho thấy các bạn khuyết tật cũng có thể tạo ra rất nhiều giá trị cho xã hội, có thể tự nuôi sống bản thân và cũng là thành quả cho sự đồng hành của các họa sĩ, các nhà tài trợ cùng với dự án trong suốt thời gian qua.
Tại buổi khai mạc chương trình, nhiều hoạt động đặc sắc cũng đã diễn ra như: Trình diễn áo dài với họa tiết lụa vụn lấy cảm hứng từ bộ tranh linh vật rắn; giao lưu giữa các nghệ sĩ và những người thợ thủ công khuyết tật…

Các nhà tài trợ và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại chương trình trưng bày.
Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018 tại làng lụa Vạn Phúc, Vụn Art là mô hình doanh nghiệp xã hội với mục tiêu xây dựng một môi trường lao động nghệ thuật dành cho người khuyết tật, bảo tồn văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường thông qua việc tận dụng các nguyên liệu thừa trong sản xuất. Từ đó đến nay, Vụn Art không chỉ là nơi làm việc mà còn trở thành “ngôi nhà chung” của hơn 30 thợ thủ công khuyết tật thuộc nhiều dạng thức khác nhau. Năm 2019, Vụn Art được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đánh giá là mô hình sáng tạo bền vững, vừa sáng tạo về văn hóa, phát triển sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc.
Chương trình trưng bày “Những mảnh ghép sẻ chia từ hy vọng” diễn ra liên tục từ ngày 12-3 đến hết ngày 31-3 tại phố Lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội).
Thiên Ân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com