Vì sao ngày càng có nhiều dự án FDI dưới 1 triệu USD?


Có nhiều tín hiệu cho thấy, những "đại bàng" ngoại sẽ đến làm tổ ở Việt Nam trong thời gian tới, nhưng nhìn từ con số đầu tư thực tế lại chỉ ra rằng, phần lớn doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới trong 4 tháng đầu năm nay.

Trong những tháng gần đây, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) khi đánh giá về hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) đều có nhận định, tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng tổng vốn đầu tư. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Dự án mới có quy mô dưới 1 triệu USD chiếm gần 70%

Tuy vậy, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.



Quy mô DN FDI trong khảo sát của VCCI thực hiện năm 2022 (Nguồn: Báo cáo PCI 2022).


"Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 4 tháng", Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá trong báo cáo.

Những số liệu khảo sát từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cũng chỉ ra, phần lớn doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, dù là theo tiêu chí về vốn, lao động hay doanh thu.

Cụ thể, gần 83% doanh nghiệp FDI có số vốn dưới 100 tỷ đồng, một phần tư doanh nghiệp FDI sử dụng dưới 10 lao động và 57,4% có dưới 50 lao động. Về doanh thu, gần 25% số doanh nghiệp FDI có doanh thu dưới 3 tỷ đồng và 77,8% có doanh thu dưới 100 tỷ đồng trong năm 2022.

Là người gắn bó với hoạt động thu hút FDI nhiều năm qua, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từng trăn trở, trước đây, ở Việt Nam bình quân vốn/dự án FDI là từ 8-10 triệu USD, nay chỉ 5-6 triệu USD. Đây là điều mà ông đau đáu.

“Nhiều người không quan tâm vấn đề này nhưng riêng tôi rất đau đáu vì nó ảnh hưởng đến chiến lược, quy hoạch và đất đai. Hơn nữa, nó còn liên quan đến cạnh tranh nguồn lực, sân chơi giữa doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp trong nước”, vị chuyên gia trăn trở.

Theo GS. Nguyễn Mại, nếu 10 năm trước, khi doanh nghiệp trong nước chỉ có vài chục và trăm nghìn doanh nghiệp, ưu tiên đầu tư FDI các dự án nhỏ là rất quan trọng. Nhưng bây giờ, chúng ta có 700.000 – 800.000 doanh nghiệp trong nước, có cả những doanh nghiệp lớn và rất lớn. Vậy sao phải kêu gọi FDI vào làm dự án cỡ 1 - 2 triệu USD? Hãy để đó cho doanh nghiệp tư nhân trong nước thử sức làm.

Đáng lo ngại, đặt trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu sắp thực thi, thì rõ ràng nếu Việt Nam không có giải pháp thu hút các tập đoàn lớn hay nói cách khác là những "đại bàng" thì có lẽ quy mô dự án FDI đầu tư vào Việt Nam ngày càng "teo tóp".

‘Đại bàng’ thêm khó làm tổ vì thuế tối thiểu toàn cầu

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) dẫn thống kê cho thấy, hiện nay, có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%. Trong đó, thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn...



Việc thu hút các tập đoàn đa quốc gia trở nên khó khăn hơn khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu.


Các chính sách ưu đãi về thuế trong thu hút đầu tư của Việt Nam (ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế) được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Theo đó, tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD).

“Đây là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng và Việt Nam không có những giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích mang lại từ các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà các dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính hấp dẫn, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án”, ông Minh nhìn nhận.

Một trong những tập đoàn đa quốc gia đang phát triển mạnh ở Việt Nam không thể không nhắc tới là Samsung. Kể từ năm 2008 đến nay, Samsung đã liên tục triển khai các hoạt động đầu tư với con số lũy kế lên tới 20 tỷ USD. Hiện tại, Samsung có 06 pháp nhân sản xuất, 01 Trung tâm nghiên cứu phát triển, với tổng số vốn đầu tư là 20 tỷ USD, chiếm 50% tỷ trọng sản lượng điện thoại được sản xuất trên toàn thế giới. Việt Nam được coi là cứ điểm sản xuất quan trọng của Tập đoàn Samsung.

Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, dự kiến từ 2024, Samsung và nhiều công ty lớn khác sẽ chính thức trở thành doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu đang được triển khai áp dụng như hiện nay, chính sách miễn, giảm thuế của Việt Nam sẽ không còn phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp FDI, mà còn đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường đầu tư tại Việt Nam. Do các công ty đang được hưởng ưu đãi thuế của chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam phải nộp bổ sung lên mức thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% tại quốc gia có công ty mẹ.

“Điều này làm tăng gánh nặng tài chính về thuế cho tập đoàn, làm ảnh hưởng đến việc hoạch định tài chính và chiến lược kinh doanh của các công ty, trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam vốn đang có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường”, ông Choi Joo Ho cho rằng, khó khăn đặc biệt lớn hơn đối với các tập đoàn đang đặt cứ điểm sản xuất của mình tại các nước thu hút đầu tư bằng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, đại diện Samsung Việt Nam kiến nghị, Chính phủ cần đưa ra những quyết đoán trong quá trình ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu này. Trong đó, Việt Nam cần xây dựng các hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Phương án triển khai các hình thức hỗ trợ này sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để có các tiêu chuẩn áp dụng kèm theo…

Theo vnbusiness.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: lamanpv@gmail.com

Phong Cách Phụ Nữ Online ©
Giấy phép ICP số 45/GP-TTĐT, cấp ngày 09/10/2016.
Email: lamanpv@gmail.com
Ghi rõ nguồn Phunustyle khi phát hành lại những thông tin này!
Liên hệ quảng cáo: Công ty truyền thông A.T.V
Địa chỉ: 111/2 Lê Quang Định, P.14, Bình Thạnh, TP. HCM
Hotline: 0937855883 - Fax: 08.68014546