Tập truyện ngắn đậm nỗi nhớ đất nhớ người của Bình Nguyên Lộc


Là nhà văn lớn của Việt Nam, Bình Nguyên Lộc để lại một di sản đồ sộ với khoảng 50 tiểu thuyết và 1000 truyện ngắn. Rừng mắm là tuyển tập gồm 15 truyện ngắn của nhà văn hóa Nam Bộ này, trong đó ta có thể tìm thấy bốn cảm hứng chủ đạo có mặt xuyên suốt bề dày sáng tác của Bình Nguyên Lộc: cội nguồn, ngôn ngữ, di dân và cõi âm.


Nguồn cảm hứng trên, kết hợp với văn phong đậm chất Nam Bộ và đầy tình cảm của nhà văn, đã dệt nên câu chuyện về những người bám đất, kẻ khai hoang, và nỗi lưu luyến với người xưa cảnh cũ. Dư âm đọng lại là nỗi nhớ thương to lớn dành cho đất đai và con người của quê hương, khiến người đọc ai cũng ngậm ngùi khó tả.


Ngoài ra, tác phẩm còn chứa đựng giá trị văn hóa sâu sắc khi ghi lại lời ăn tiếng nói và cách sinh hoạt của người Nam Bộ khi xưa, là nguồn tư liệu lịch sử – xã hội quý giá.

Kẻ bám đất, người mở cõi

Rừng mắm nguyên là một truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc, in lần đầu trong tập Ký thác (NXB Cửu Long, năm 1968), được chọn là truyện mở đầu và chủ đạo trong tập truyện này. Truyện kể về một gia đình ba thế hệ, vì nghèo không có đất nên lưu lạc tới xứ U Minh (Cà Mau) để khai phá. Nơi định cư mới bên bờ rạch được họ đặt tên là Ô Heo vì ban đầu là hang ổ của heo rừng và thú dữ. Vùng đất không người đó vừa khắc nghiệt lại vừa rất nên thơ qua con mắt của cậu thiếu niên tên Cộc, hứa hẹn rằng những đắng cay mà gia đình Cộc phải chịu lúc này sẽ đem lại ngọt bùi khi người dân tứ xứ theo chân họ đến đây lập nghiệp, mở ra một tương lai xán lạn.

Chỉ qua một truyện ngắn, Bình Nguyên Lộc như tái hiện lại một phần lịch sử vùng Nam bộ buổi khai hoang, khi những người Việt đầu tiên tìm đến thuần hóa đất đai. Khi đó, nơi này chẳng phải là vùng trù phú mà vô cùng khắc nghiệt, sinh kế gian nan:

Đó là một “cái xó không người” với “khí hậu tàn ác”: “nóng, ẩm, còn muỗi mòng thì quơ tay một cái là nắm được cả một nắm đầy”. “Đất ở đây mặn chát dùng không được”, “mười công đất chỉ gặt được có tám giạ thôi.”

Ở vùng đất đó, gia đình Cộc đã cố gắng để thuần hóa đất bằng sức người và sự tháo vát, để đất đem lại cái ăn cho con người. Họ đốt rừng tràm làm ruộng, đuổi thú dữ đi, và làm vườn trên những “miếng vườn cao cẳng”, chẻ gốc tràm để làm “nọc nạng” gác lúa:

“Ông nội nó với tía nó đốt rừng tràm từ ngoài bờ rạch. Gió thổi vô rừng, và lửa, như con vật khổng lồ, đã táp một cái vào khối thịt xanh um của rừng tràm nầy.” “Lúc ruộng chín, cây lúa cao quá, ngã rạp xuống, để lòi trăm ngàn gốc tràm lên, trông như ai đóng cọc để cất nhà sàn; năm xưa đốt rừng nhưng không đủ sức đánh những gốc tràm tươi rói không cháy được nầy, tía thằng Cộc đành cấy lúa giữa những gốc ấy”.

“Tía nó đã đóng mười hai cây cọc, làm thành bốn cái giá ba chơn tréo như giá trống… Trên mỗi giá, đặt một cái nồi lủng đít, và trong nồi để đầy đất mà tía nó mang từ xa về. Đất ở đây mặn chát dùng không được. Hành, ớt, rau răm, rau mồ om, được trồng trong mấy cái vườn cao cẳng đó.”

Họ đã cố gắng đẩy lui cái hoang dã để giành lấy từng tấc đất cho con người. Ở tuổi bắt đầu biết bâng khuâng, cậu bé Cộc “thèm người”, “thèm chè, thèm xưng xa, nhớ đám cúng đình, nhớ hát bội”, cho rằng ở đây “mình có ruộng nhưng cũng khổ cả đời” và muốn đi nơi khác. Nhưng ông nội đã bảo cho Cộc hiểu vì sao họ phải “hì hục năm năm trong đồng chua nước mặn”:

“Phù sa là đất bùn mềm lủn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được… Đời cây mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ ngã gục cho kẻ khác là con cháu của họ hưởng.”

Truyện ngắn Rừng mắm đã tái hiện công cuộc mở đất đầy mồ hôi, nước mắt và cả hy sinh của cha ông ta, một chặng đường lịch sử của vùng đất Nam bộ.


Nếu ở Rừng mắm, Bình Nguyên Lộc kể về lớp người mở đất, thì ở Bám níu, ông lại hướng về những người bám đất. Thông qua hoạt động hứng cá, tát vũng bắt cá của dân quê miền Đông Nam bộ khi qua mùa nước lũ, ông nói lên thông điệp về việc giữ đất quê hương.

Trong lúc tát vũng, nhóm nhân vật trong sách phát hiện có những con cá sông không “chạy” từ đồng ruộng ra sông lớn trong đám mưa cuối mùa mà “lội ngược dòng” ở lại trong ao vũng. Lão Nghiệm, nhân vật được mô tả là như “một tộc trưởng của thời xa xưa, rất nhiều kinh nghiệm sống và nhiều khả năng chỉ đạo”, “cả xóm cả làng đều nghe theo lão” đã phát biểu:

“Sở dĩ chúng nó không ‘chạy’ vì chúng nó thương yêu cái nơi chôn nhau cắt rún của chúng, cố lội ngược dòng, bám níu để ở lại nơi mà chúng nó chào đời.”

“Bám níu, ông bà ta đã bám níu, tao đã bám níu mới còn xóm nầy, làng nầy. Còn làng mới còn nước mình.”

Mở đất và giữ đất, thuần hóa đất hoang và biến đổi đất nghèo, ông cha ta ngày xưa và chúng ta ngày nay đã, đang và sẽ tiếp tục công việc này, góp phần vào công cuộc mở nước và giữ nước. Hai truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc đã ghi chép lại một phần lịch sử, nhắc nhở chúng ta về sự thiêng liêng của từng tấc đất quê hương, về sự hy sinh của các lớp người đi trước, để thế hệ này tiếp tục nỗ lực vì dải đất thân thương, vì sự no ấm của người dân. Lời văn mộc mạc, tự nhiên và giàu tình cảm của Bình Nguyên Lộc khiến những câu chuyện này thêm thấm thía.

Nỗi lưu luyến cảnh cũ người xưa

Trong tập truyện này, rất nhiều lần Bình Nguyên Lộc bày tỏ niềm nhớ tiếc đối với cảnh cũ và người xưa. Xe lửa Mỹ bung vành, Hồn ma cũ, Tình thơ dại, Chiếc khăn kỷ niệm, Tiếng thời gian, Hương gây mùi nhớ là những truyện ngắn về chủ đề này. Cảm hứng về thời gian, về sự biến thiên, tàn phai, thay đổi có lẽ luôn hiện diện trong sáng tác của những nhà văn lớn.

Trong Xe lửa Mỹ bung vành, đường xe lửa đã từng đi vào lời ước hẹn, vào ca dao đã bị bỏ đi, những người sống chung và sống dựa vào đường xe lửa đó cũng tan tác mỗi người một ngả. Câu hát cũ bỗng trở thành hiện thực, khi sự mất đi của đường xe lửa gắn với nỗi vỡ mộng của một mối tình còn chưa chớm đơm hoa:
Ù ơ… chừng nào xe lửa Mỹ bung vành,
Tàu Tây lủng đáy anh mới đành xa em.

“Chuyến xe cuối cùng của nửa thế kỷ” được mượn làm bối cảnh cho sự khép lại của ảo ảnh một mối tình, nhưng nó đã “khởi hành mau lẹ chớ không bịn rịn”, cũng như nhân vật nghiệm ra rằng đây cũng có thể là “chuyến xe đầu tiên” cho những cuộc hội ngộ sau này.

Trong Chiếc khăn kỷ niệm, Bình Nguyên Lộc kể một câu chuyện lạ lùng khi nhân vật đến thăm bệnh và đi đưa tang cho một người mà anh ta không bà con cũng không quý mến. Mắt và mũi đỏ hoe, anh lý giải về hành động kỳ quặc của mình:

“Hắn thuộc vào chân trời quen thuộc của tao thuở tao còn bé… Làng tao tiêu thổ trong thời kháng chiến, cháy không còn một gốc cây. Khi thái bình được vãn hồi, năm 1954, tao về làng thì thấy nó minh mông, trống trải như một sa mạc. Làng tao đã bị xóa, cả trong ký ức của con người nữa. Kể từ ngày ấy tao bỗng thấy những người đồng hương sống sót và trôi giạt xuống đây, quí báu không biết bao nhiêu. Họ gợi được hình ảnh của quê tao, một vùng đất mà tao rất thương yêu.”

Trong Hồn ma cũ, nhân vật chính lại lưu luyến khung cảnh và không khí một tiệm cà phê cắc-chú, với tiếng dao hạ xuống thớt theo nhịp điệu, tiếng những anh phổ ky hô món ăn hoặc hô số tiền bằng lời hát có ca có kệ đàng hoàng. Anh thường xuyên đến ngồi ở quán cà phê này vì nó “có những tiếng động, những âm thanh, những mùi vị quen thuộc và rất thân yêu”. Cuối cùng, qua một cuộc săn đuổi ráo riết những ấn tượng vô hình, anh hiểu ra lý do mình ưa thích tiệm cà phê đó: hình ảnh một người cha uống cà-phê trên dĩa gợi cho anh nhớ về ông ngoại của mình. Trong Tiếng thời gian và Hương gây mùi nhớ, nhân vật của Bình Nguyên Lộc lại hoài niệm về vẻ đẹp và mùi hương của những cô gái đẹp mà họ từng nhớ thương.

Ý thức về sự phù du của cuộc đời, sự chảy trôi của thời gian, sự biến thiên của trời đất, sự thay đổi của lòng người… trở đi trở lại trong những truyện ngắn trên, tạo nên âm hưởng buồn da diết. Nỗi luyến tiếc những gì đã cũ vang dội xuyên suốt tập truyện ngắn này. Dẫu vậy, buồn đó, đau xót đó, nhưng rồi nhân vật của Bình Nguyên Lộc luôn hướng về phía trước: tìm “hình bóng mới” thay “hương cố nhân”, chấp nhận rằng:

“Trong lòng sông Cái Cối, nước Tháp Mười tuôn tràn ra, chảy mạnh như thời gian, và những đám lục bình trôi mau trên mặt nước, không đám nào giống đám nào hết, càng không giống đám lục bình của mười năm xưa.”

Nguồn tư liệu lịch sử – xã hội quý giá

Như mọi sáng tác khác của Bình Nguyên Lộc, tập truyện này cũng thể hiện rõ niềm hứng thú, yêu thích mãnh liệt của nhà văn đối với ngôn ngữ và tập quán của dân tộc, đặc biệt là người dân Nam bộ. Ông say mê ghi chép lại tiếng nói địa phương và cách sinh hoạt địa phương, mô tả đầy trìu mến những khung cảnh gắn liền với lối sống một thời.

Dễ thấy nhất là những lúc Bình Nguyên Lộc trở thành một nhà sưu tầm, nhà ngôn ngữ học, thay vì một nhà văn, và tỉ mỉ ghi lại định nghĩa một số từ ngữ Nam bộ:

“Hứng” đây là hứng cá, một động từ địa phương, đặc biệt của miền Đông Nam-Việt. Ở miền Đông Nam-Việt, nhứt là trong tỉnh Biên Hòa, qua mùa nước lũ, con sông Đồng Nai ứa nước nguồn, bờ sông bành trướng ra, xâm lấn đồng ruộng trong xa, cá sông thích lên để đẻ… Hễ những đám mưa cuối mùa đổ xuống là chúng áp nhau mà “chạy”, tức là đổ xô nhau theo những con đường nước từ đồng ruộng cao chảy xuống các rạch, các sông, để tìm về những khoảng sinh tồn phong phú thực phẩm hơn… Dân miền đông rủ nhau đặt những giỏ mây hoặc giỏ tre đan thật khít mặt… hứng bắt tất cả cá con đi tìm sanh lộ ấy. Họ đặt tên chung là cá lạc mạ. Mạ, có lẽ là tiếng “mẹ” nói trại bẹ ra…”

“Dòng nước đã đứng ròng. “Đứng” là không chảy nữa” còn “đứng ròng” khác với “đứng lớn” là nước chảy xuôi dòng ra biển, chớ không phải nước chảy ngược nguồn như khi nước đã ròng sát.”

Ngoài việc sưu tầm và giải thích ngữ nghĩa như trên, Bình Nguyên Lộc còn đem vào trong văn của mình rất nhiều câu hò, câu ca dao xưa gắn với đời sống một thời, kể về sự di dân, cảnh tha hương, về lời thề thốt giữa gái trai buổi hò hẹn,…
Hò… ơ, Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Đồng Nai.
Nước sông trong sao cứ chảy hoài,
Thương người xa xứ lạc loài đến đây.
Ù… ơ… Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành,
Tàu Tây lủng đáy anh mới đành xa em
Ù… ơ… Đại mộc lưu giang bất đắc hồi cố dã.
Cây ngã trôi sông
Đâu còn mong trở lại
Anh thuận gió xuôi buồm…

Bình Nguyên Lộc thích thú với cách nói như hát của những người phổ ky gốc Hoa ở các tiệm cà phê cắc-chú. Ông mô tả sống động những sinh hoạt của dân ta thuở bấy giờ như đốt rừng tràm mở đất, cách hứng cá tát vũng, việc trét ghe của lái buôn thương hồ, hoạt động hát bội và cuộc sống của cô đào hát, cảnh tượng những khu chợ xép Tiền Giang…

“Cứ hai năm một lần, nghỉ Tết xong là họ trét ghe lại. Nước sông có những côn trùng rất ưa ăn gỗ sao… Chúng nó đục khoét, lỗ nào lỗ nấy to bằng mũi kia… cứ đậu ghe lên mặt cồn, dùng gỗ khối mà kê ghe, rồi nước ròng là ghe lòi ra, mặc sức mà săn sóc nó… Dưới nắng tháng giêng, bầy ghe trét nằm dài chình ình như mấy mươi con sấu khổng lồ đang sưởi ấm.”

“Chợ Mỹ Lương là kiểu mẫu cổ điển của nhiều chợ xép Tiền Giang. Chợ ngó xuống sông, và hai bên hông chợ, hai dãy nhà cũng trông xuống bến… Bốn dãy nhà gồm bốn mươi căn, mỗi căn bán một thứ hàng hóa giống hệt ở mọi chợ khác. Có tiệm hớt tóc, mà những giờ vắng khách, mấy anh thợ ngồi buồn gảy ghi-ta; một tiệm may, vài tiệm chạp phô, một hiệu trữ dược phẩm Âu Mỹ kiêm bán sách báo, một hiệu ba-da, một hiệu bán chén và đồ gồm v.v…”

Không chỉ là những cảnh, những từ đặc trưng, những hoạt động được mô tả trong nội dung, chính lời văn của Bình Nguyên Lộc cũng là một nguồn tư liệu phong phú về ngôn ngữ dân gian Nam Bộ. Chữ và văn của ông đậm chất đời, rặt lời ăn tiếng nói của người dân miền Nam. Ý và văn hòa quyện, khiến cho khung cảnh trở nên sống động, khiến cho cái tình trên trang giấy dễ dàng thấm vào lòng người.

Rừng mắm là tập truyện ngắn đặc sắc mang đậm chất văn Bình Nguyên Lộc: đong đầy nỗi thương mến dành cho đất đai và con người của quê hương, chuyên chở các giá trị văn hóa – ngôn ngữ đáng quý, là nguồn tư liệu góp phần bảo tồn vốn quý của dân tộc.

Thiên Ân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: phunustyle@gmail.com

Phong Cách Phụ Nữ Online ©
Giấy phép ICP số 45/GP-TTĐT, cấp ngày 09/10/2016.
Email: phunustyle@gmail.com
Ghi rõ nguồn Phunustyle khi phát hành lại những thông tin này!
Liên hệ quảng cáo: Công ty truyền thông A.T.V
Địa chỉ: 111/2 Lê Quang Định, P.14, Bình Thạnh, TP. HCM
ĐT: 08.68014545 - Fax: 08.68014546