Trong chuyến giao lưu gặp gỡ sinh viên trường sân khấu, đạo diễn Lê Hoàng chia sẻ hai cách để trở nên nổi tiếng, một là trở thành diễn viên chính của một phim, hai là nhờ khiếu hài hước. Cách nổi tiếng thứ hai còn có ưu điểm là không cần nhan sắc xinh đẹp, chỉ cần sự duyên dáng và nếu có ngoại hình quái đản thì càng tốt.
Tấu hài là một thể loại nghệ thuật đòi hỏi sự nhạy bén và khéo léo để mang lại tiếng cười cho khán giả. Theo đạo diễn Lê Hoàng, phong trào tấu hài từng phát triển mạnh mẽ tại TP.HCM cách đây 10 năm và làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như nghệ sĩ Thúy Nga, Việt Hương, Hoài Linh, Nhật Cường, Hoàng Sơn,…
Một trong những nghệ sĩ tấu hài được nhiều khán giả yêu thích bấy giờ là diễn viên Sơn Hải. Trở lại với chương trình Kính Đa Chiều, diễn viên Sơn Hải cùng đạo diễn Lê Hoàng tiếp tục bàn luận về chủ đề Tấu hài dễ mà khó.
Theo diễn viên Sơn Hải, anh tốt nghiệp trường sân khấu khóa 10 do nghệ sĩ Xuân Hương chỉ dạy. Sau khi tốt nghiệp, số lượng diễn viên theo hài chỉ khoảng 10% vì đây là thể loại không phải ai cũng có thể thực hiện. Diễn viên Sơn Hải nhận định tấu hài là bộ môn vừa dễ nhưng cũng vừa khó. Tấu hài có thể dễ đối với những người có năng khiếu và đam mê, nhưng lại khó đối với những ai thiếu khả năng gây cười.
Host chương trình là đạo diễn Lê Hoàng nhận xét tấu hài không được đào tạo chính quy trong các trường sân khấu. Các giảng viên tại các trường sân khấu mà đạo diễn Lê Hoàng quen biết từ NSƯT Công Ninh đến NSƯT – NSND Trịnh Kim Chi,… đều là những nghệ sĩ diễn viên chính kịch nghiêm túc. Vì vậy các nghệ sĩ hài thường phải tự học hỏi, trau dồi và phát triển khả năng của mình.
Diễn viên Sơn Hải bày tỏ sự đồng tình với đạo diễn Lê Hoàng về việc các trường sân khấu chỉ đào tạo chính kịch. Tâm sự với đạo diễn Lê Hoàng, diễn viên Sơn Hải thổ lộ lý do anh trở thành nghệ sĩ tấu hài ngoài khả năng hài hước vì nhan sắc không bằng bạn bè đồng trang lứa.
Host chương trình là đạo diễn Lê Hoàng gật gù đồng cảm và kể chuyện về chuyến giao lưu chia sẻ với sinh viên trường sân khấu. Anh cho rằng có hai cách để nổi tiếng. Cách đầu tiên là trở thành diễn viên chính của các bộ phim, nhưng đây cũng là một cách khó. Cách thứ hai chính để nổi tiếng là sự hài hước, có thể không cần đến nhan sắc, thậm chí bề ngoài quái đản càng tốt.
Đạo diễn Lê Hoàng lấy ví dụ về những nghệ sĩ dù không có lợi thế về ngoại hình nhưng vẫn vang danh như NSƯT Minh Nhí hay Anh Vũ vì sở hữu sự duyên dáng. Đến cả vua hề Sác-lô cũng không phải là người ưa nhìn. Từ đó, nam đạo diễn nhận định thể loại hài có ưu điểm là không cần ngoại hình, chỉ cần có duyên và không ngừng nỗ lực.
Tuy nhiên, tấu hài hài lại không được coi trọng như chính kịch và đôi khi bị coi thường vì thiếu bài bản. Diễn viên Sơn Hải tiết lộ trong thời kỳ vàng son, những nghệ sĩ tấu hài như Sơn Hải cũng nhận về những lời ra tiếng vào tương tự. Nếu như diễn viên chính kịch chỉ cần diễn xuất theo kịch bản và yêu cầu của đạo diễn thì các diễn viên tấu hài phải tự xây dựng tiết mục từ nội dung trên trang phục trình diễn.
Bằng sự mày mò, trau dồi theo năm tháng, các diễn viên tấu hài dần đúc kết thành kinh nghiệm biểu diễn của riêng mình. Do đó, diễn viên Sơn Hải nhận định người khác xem nhẹ tấu hài cũng có lý do, vì thể loại này khó đạt đến sự hoàn hảo tuyệt đối. Tuy nhiên, biểu diễn tấu hài cũng không phải là điều dễ dàng, mà cần phải có khiếu hài hước đặc biệt.
Để hiểu rõ thêm về thể loại tấu hài, chương trình Kính Đa Chiều còn kết nối với nghệ sĩ Vũ Thanh, diễn viên Thụy Mười và Lê Nam. Theo chia sẻ của nghệ sĩ Vũ Thanh, thời kỳ tấu hài thịnh hành, các nhóm diễn viên trẻ rất hiếm. Phần lớn nghệ sĩ hài đều xuất phát từ sân khấu cải lương hoặc là con cháu của các nghệ sĩ. Các danh hài như Bảo Chung, Tấn Beo đều trưởng thành từ cải lương và tạo tiếng vang khi lấn sân sang lĩnh vực hài. Nghệ sĩ Vũ Thanh cho biết: “Ngay cả những diễn viên từ các đoàn kịch chính thống cũng diễn hài. Họ được đi diễn hàng đêm là đã rất vui”.
Diễn viên Thụy Mười (nhóm hài Thanh Tùng) nhớ lại khoảng thời gian những năm 90 khi chị còn là sinh viên của trường Nghệ thuật Sân khấu 2, khi đó, tấu hài thường chỉ có hai người song tấu trong vòng 10 – 15 phút. Sau đó, tấu hài dần phát triển thành các tiểu phẩm hài có nội dung thông điệp rõ ràng. Những tiểu phẩm này đòi hỏi ít nhất từ 3 – 5 người tham gia biểu diễn. Không chỉ mang lại nhiều tiếng mà các tiểu phẩm này còn chứa đựng nhiều giá trị làm khán giả suy ngẫm và nhớ mãi.
Theo diễn viên Lê Nam (nhóm hài Hoàng Sơn), dù là tấu hài với số lượng bao nhiêu thành viên thì vẫn gặp khó khăn về thời gian. Cụ thể trong vòng từ 10 – 15 phút, các diễn viên phải truyền đạt câu chuyện và làm khán giả bật cười ngay lập tức. Điều này đòi hỏi khả năng dẫn dắt câu chuyện một cách nhanh chóng và duyên dáng. So với kịch dài, tấu hài không có thời gian để dẫn dắt từ từ, mỗi câu thoại đều phải mang lại tiếng cười cho khán giả.
Do đó, đạo diễn Lê Hoàng nhận định tấu hài không phải là thể loại biểu diễn dễ dàng. Thông qua cuộc trò chuyện với diễn viên Sơn Hải, có thể thấy nghệ sĩ tấu hài thành công không chỉ nhờ vào chuyên môn đào tạo mà còn đến từ sự nỗ lực cá nhân cùng khả năng tự trau dồi, học hỏi. Vốn dĩ, tấu hài là một thể loại nghệ thuật vừa dễ vừa khó. Bằng những tiết mục đặc sắc đầy tiếng cười, những nghệ sĩ tấu hài từng ngày khẳng định giá trị của bản thân cũng như giá trị thể loại nghệ thuật độc đáo này.
Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Ca sĩ teen với sự tham gia của host Phương Uyên và ca sĩ Nam Cường sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 2/7 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.
Thiên Ân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com