Danh ca Lan Ngọc gửi lời cảm ơn Trịnh Công Sơn, nhận định cố nhạc sĩ là người vô tư


Nhiều người nhận định rằng danh ca Lan Ngọc bén duyên với nghề hát dễ dàng. Thế nhưng, để duy trì sự nghiệp ca hát được lâu dài và công chúng đón nhận, nữ nghệ sĩ 4X cho rằng không phải là chuyện của “một sớm một chiều”.

Nhắc đến danh ca Lan Ngọc, khán giả không khỏi thổn thức với chất giọng đặc biệt da diết, tình cảm nhưng chất chứa nhiều nỗi niềm, nổi bật hẳn so với những chất giọng trong trẻo, thánh thót của các ca sĩ nữ thời bấy giờ. Một trong những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của nữ nghệ sĩ như Cánh hoa bay, Đêm thu, Suối mơ, Phôi pha,... Sau hơn nửa đời người hát tại quê nhà, vào năm 2014 danh ca Lan Ngọc sang Mỹ định cư cùng gia đình. Đây là lần hiếm hoi bà trở về nước và xuất hiện với những chia sẻ đắt giá tại Đời Nghệ Sỹ.


Danh ca Lan Ngọc bộc lộ năng khiếu ca hát từ khi còn bé. Bà cho biết bản thân thừa hưởng tố chất nghệ sĩ của bố mẹ. Hai đấng sinh thành của bà đều có niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc. Bà còn nhớ khi bà còn nhỏ, trong lúc bố bà chép nhạc thì mẹ bà nghêu ngao hát những ca khúc được chép bởi bố.

Năng khiếu âm nhạc cứ thế mà phát huy, từ những buổi liên hoan nhỏ của lớp đến phạm vi toàn trường đều có sự xuất hiện của danh ca Lan Ngọc. “Tôi dạn dĩ lắm, không có mắc cỡ đâu, cứ mỗi dịp lễ là tôi đều xung phong lên hát. Ban đầu, tôi hát trong lớp và được bạn bè, cô giáo khen hay và sau đó được đề nghị hát cho toàn trường nghe”, nữ nghệ sĩ nhắc lại. Dù dẫn đầu trong phong trào văn nghệ tại trường, thế nhưng hiếm ai biết được nữ nghệ sĩ từng bị gia đình phàn nàn về chất giọng khàn như “vịt đực” của mình.

Vốn yêu thích ca hát từ bé, đến giai đoạn trưởng thành, danh ca Lan Ngọc theo thầy Mạnh Phát để học nhạc. Tình cờ một hôm nữ nghệ sĩ đi cùng với những cô học trò của thầy đến phòng trà Văn Cảnh tập hát và bén duyên với nghiệp ca hát từ đó. “Tôi lên đó hát chơi, nhưng cuối cùng 3 cô gái kia dạt ra hết, họ chọn tôi: “Tôi chỉ chọn cô bé Lan Ngọc này hát thôi” và bảo tôi về nhà xin phép để đi hát””, nữ danh ca kể lại. Sau khi nhận được lời đề nghị, danh ca Lan Ngọc vui mừng, nhanh chóng thuyết phục gia đình và được chấp thuận.

Nữ nghệ sĩ cho biết, năm 1967 bà chính thức trở thành ca sĩ. Thời gian đầu, mẹ bà là người đồng hành, đưa đón bà đi lưu diễn, không lâu sau đó thì bố bà là người đảm nhận nhiệm vụ này. Lý giải cho điều này, danh ca Lan Ngọc thổ lộ mang một nỗi sợ khi đi lưu diễn một mình: “Có lần, người ta cứ chạy theo đuôi đằng sau, tôi sợ quá nên phóng hết số trên chiếc xe Honda. Không chịu được, bố tôi chặn lại hỏi: “Tại sao đi theo con gái tôi”, thì họ bảo rằng: “Tại vì con gái cụ đẹp quá, tôi chạy theo chứ không làm gì hết””.
Danh ca Lan Ngọc cho biết bản thân không sở hữu nét đẹp “vạn người mê” nhưng bà thừa bản thân đi đến đâu đều “gieo thương nhớ” đến đó. “Không hiểu sao, số của tôi nhiều chàng theo đuổi lắm, toàn làm bác sĩ, họ theo đến tận nhà. Thậm chí, em gái họ qua giục tôi gả đủ thứ nhưng tôi không chịu”, nữ nghệ sĩ hài hước kể lại. Gia đình bà đông anh chị em, chỉ có bố là trụ cột chính trong gia đình nên bà chưa muốn lập gia đình, thay vào đó đi hát để phụ bố vun vén tổ ấm. Sau khi chu toàn gia đình, danh ca Lan Ngọc kết hôn và tiếp tục được ông xã “tháp tùng” đi lưu diễn khắp nơi.


Tuy nhiên, đến những năm 80, đất nước rơi vào cảnh khó khăn, sự nghiệp ca hát của giọng ca Cánh hoa bay bị chững lại. Giai đoạn này, bà được người bạn thân là nữ nghệ sĩ Hồng Vân “rủ rê” đi bán dầu khuynh diệp để trang trải cuộc sống. Bên cạnh cuộc sống mưu sinh chật vật, danh ca Lan Ngọc còn hé lộ từng bị lợi dụng nắm tay bởi khách hàng là nam giới trong lúc bán hàng.

Sau khoảng thời gian bán dầu khuynh diệp, danh ca Lan Ngọc bắt đầu đi lưu diễn tại các tỉnh thành. Tại Đời Nghệ Sỹ, giọng ca Cánh hoa bay hé lộ khó khăn: “Vào những mùa mưa, tôi cùng những nghệ sỹ trong đoàn phải đi dép, tay xách quần, tay xách áo vì đường đi đất bùn, dễ dính trang phục”. Bên cạnh đó, những khi bà nghỉ ngơi tại khách sạn ở tỉnh, nữ nghệ sĩ còn gặp ma, nhớ lại khoảnh khắc đó bà không giấu sự sợ hãi.

Một trong những dấu son trong hành trình ca hát của danh ca Lan Ngọc không thể không kể đến những sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những bài hát được đón nhận nồng nhiệt như Mênh mông Đồng Tháp, Em ở nông trường - em ra biên giới, Phôi pha,... Nói về cơ duyên này, nữ nghệ sỹ bày tỏ: “Những năm 1980, tôi hay lên Hội Nghệ sĩ để giao lưu. Thời điểm đó, anh Trịnh Công Sơn vô tư lắm, cứ hoàn thành xong bài hát nào là đưa lên hội, lúc đó anh Phạm Trọng Cầu mới bảo với tôi: “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác những bài hát này hợp với chất giọng của Lan Ngọc”, và thế là anh ấy đưa cho tôi hát. Cũng nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn đến anh Trịnh Công Sơn và anh Phạm Trọng Cầu”.


Với giọng hát Cánh hoa bay, những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều mang triết lý sâu sắc: “Những ca khúc thuộc giai đoạn trước năm 1980 của anh Sơn thì mang màu sắc tình cảm, triết lý nhưng đến giai đoạn sau, các sáng tác lại trở nên thiết thực. Chẳng hạn bài Mênh mông Đồng Tháp thì nói lên vấn đề mùa nước nổi, hay ca khúc Em ở nông trường, em ra biên giới thì mang ý nghĩa về thanh niên xung phong,... Sở dĩ nói tôi lột tả rõ nét những sáng tác của anh Sơn vì tôi đã từng trải nghiệm qua, tận mắt chứng kiến”.
Bên cạnh những chia sẻ đắt giá của danh ca Lan Ngọc, tại đây nữ ca sĩ cũng gửi tặng đến khán giả Đời Nghệ Sỹ loạt ca khúc Bóng chiều xưa, Một buổi chiều mưa, Lá đổ muôn chiều,...

Tập 33 Đời Nghệ Sỹ với danh ca Lan Ngọc sẽ được phát sóng vào lúc 19h15 Chủ Nhật 25/8/2024 trên VTV9. Chương trình do VTV9 và Jet Studio phối hợp thực hiện.

Thiên Ân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: lamanpv@gmail.com

Phong Cách Phụ Nữ Online ©
Giấy phép ICP số 45/GP-TTĐT, cấp ngày 09/10/2016.
Email: lamanpv@gmail.com
Ghi rõ nguồn Phunustyle khi phát hành lại những thông tin này!
Liên hệ quảng cáo: Công ty truyền thông A.T.V
Địa chỉ: 111/2 Lê Quang Định, P.14, Bình Thạnh, TP. HCM
Hotline: 0902517083 - Fax: 08.68014546