Tuần này, chương trình Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây như: Bẫy xuất nhập cảnh trái phép với lao động trẻ, nấc cụt liên tục chớ xem thường.
Nắm được nhu cầu của nhiều người có nhu cầu ra nước ngoài tìm việc làm nên thời gian qua các đối tượng tội phạm đã dụ dỗ, đặc biệt là người trẻ xuất cảnh di cư trái phép với nhiều thủ đoạn tinh vi, thậm chí còn ứng trước cho nạn nhân một số tiền. Các đối tượng lừa đảo thường thông qua mạng xã hội đăng báo tuyển dụng lao động với mức lương cao, chủ yếu hướng đến thanh niên trẻ không có việc làm ổn định. Từ đó các nạn nhân ngỡ rằng đã được làm việc trực tiếp với chủ doanh nghiệp ở nước ngoài và nhanh chóng sập bẫy.
Với những lời dụ dỗ theo mô típ việc nhẹ lương nghìn đô mỗi tháng kèm theo đó là những đãi ngộ hấp dẫn, nhiều đối tượng xấu đã lôi kéo, dẫn dắt người lao động xuất cảnh trái phép sang nhiều nước. Hệ lụy của việc xuất cảnh trái phép là khôn lường, tiền mất tật mang, thậm chí nhiều người còn phải đánh đổi bằng cả sinh mạng. Bên cạnh đó hành vi này còn chịu sự chế tài của pháp luật.
Nạn nhân N.L đã bị các đối tượng hứa hẹn công việc với một mức lương cao, điều kiện, môi trường làm việc lý tưởng nên em N.L đã đồng ý sang Lào làm việc. Nạn nhân cho biết: “Em xem trên mạng giới thiệu có chỗ làm việc nhẹ, lương cao. Em sợ mình không có trình độ và chưa đủ tuổi nhưng người ta nói qua sẽ lo được hết, phí là 15 triệu, khi làm có tiền mới trả. Khi qua đó làm việc em mới biết mình bị bán vào cơ sở lừa đảo trá hình do một nhóm người tổ chức. Em bị bóc lột đủ thứ, gia đình em phải bỏ ra một số tiền lớn để rước em về”.
TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh (Trưởng bộ môn Tội phạm học, Đại học Luật TP.HCM) cho biết hiện nay có tình trạng một số đối tượng đi đến vùng sâu vùng xa – nơi mà có tỉ lệ người trẻ thất nghiệp khá cao với những lời hứa rất hấp dẫn, như công việc nhẹ nhàng, thu nhập rất cao so với thu nhập tại địa phương và được xuất cảnh hợp pháp. Điều đó khiến cho bộ phận giới trẻ đang thất nghiệp hoặc không hài lòng với công việc hiện tại sẵn sàng đi theo họ đến một quốc gia khác với ước mơ đổi đời. Họ có thể nhốt và giam giữ những người lao động này để yêu cầu làm những công việc bất hợp pháp tại quốc gia đó hoặc làm những công việc nặng nhọc khác. Họ luôn luôn có người theo dõi khiến người lao động không thể về nhà, không chỉ có nguy cơ bóc lột sức lao động hay tình dục mà có thể mất đi tính mạng, đó có thể là đường dây buôn người, lấy nội tạng rất nguy hiểm.
Luật sư Lê Bá Thường (Giám đốc Công ty Luật Tín Thành) đưa ra lời cảnh báo người dân phải tìm hiểu các đơn vị hoặc dịch vụ trước khi tham gia. Nếu nghe qua những lời quảng cáo trên mạng hoặc người giới thiệu đưa chúng ta sang nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp thì sẽ dẫn đến tiền mất tật mang. Người có hành vi lừa đảo người khác đi nước ngoài lao động, học tập bằng con đường bất hợp pháp thì hành vi đó là vi phạm vào các tội hình sự có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc sẽ bị cấu thành tội hình sự và bị giam đến 5 năm. Tội phạm có hệ thống, tổ chức thì mức vi phạm sẽ cao hơn.
Bà Huỳnh Thị Diễm (Giám đốc Công ty Cổ phần Cung ứng Lao động và Du học Quốc tế REIWA HCM) cho biết có thể tra giấy phép kinh doanh của công ty để tìm hiểu rõ và biết được giám đốc của công ty đó là ai, không nên đi theo phong trào.
PV
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com