Vốn là chuyên gia trong lĩnh vực bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, diễn giả Nguyễn Tuấn Anh ‘vén màn’ sự thật đằng sau những phiên Mega live trăm tỷ trong chương trình “Kính đa chiều”.
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, một xu hướng mới đã xuất hiện và ngày càng phổ biến trên các sàn thương mại điện tử đó là các phiên Mega Live. Đây là những sự kiện livestream bán hàng trực tuyến quy mô lớn, không chỉ thu hút nhiều người tiêu dùng mà còn mang lại doanh thu khổng lồ cho các nhãn hàng tham gia.
Xuất hiện trong chương trình “Kính đa chiều”, diễn giả Nguyễn Tuấn Anh có những chia sẻ về hậu trường đằng sau những phiên Mega Live lên đến hàng tỷ đồng. Theo nam diễn giả, có thể hình dung một phiên Mega Live như một hội chợ thương mại. Nếu như hội chợ thương mại được tổ chức ở một quảng trường thì Mega Live diễn ra trên không gian mạng.
Tương tự như hội chợ thương mại, một phiên Mega Live cũng sự tham gia của nhiều nhãn hãng với các sản phẩm đặc trưng nổi bật. Bên cạnh đó, giá cả cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến doanh số bán hàng nên các doanh nghiệp thường tung các chương trình khuyến mãi “khủng” để thu hút người tiêu dùng. Do đó, một phiên Mega Live có doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng là hoàn toàn có thật bởi tất cả các doanh nghiệp nhãn hàng đều dồn mọi nguồn lực vào đây.
Tuy nhiên để một phiên Mega Live thành công không thể thiếu yếu tố giải trí. Đó là sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên,… để tăng thêm tính hấp dẫn cho phiên livestream. Đây chính là chiến lược của các nhà doanh nghiệp để thu hút và giữ chân khách hàng. Ngoài ra, để tổ chức một phiên Mega Live đòi hỏi cần có một đội ngũ ekip chuẩn bị về sân khấu, âm thanh, ánh sáng, bao gồm cả việc lên kịch bản, chạy quảng cáo trước khi diễn ra phiên livestream bán hàng.
Diễn giả Nguyễn Tuấn Anh “bóc trần” sự thật đằng sau những phiên Mega Live trăm tỷ.
Việc chạy quảng cáo cũng rất quan trọng để tạo đà cho phiên Mega Live tiếp cận với nhiều người tiêu dùng. Bởi quảng cáo giúp người tiêu dùng biết được thời gian diễn ra sự kiện cũng như những nhãn hàng nào sẽ tham gia và các sản phẩm đặc biệt sẽ được bán với mức giá ưu đãi ra sao. Điều này tương tự với cách quảng cáo truyền thống như phát tờ rơi hay phát loa thông báo ở khu vực diễn ra hội chợ thương mại.
Một trong những điểm khác biệt của các phiên Mega Live so với các hội chợ truyền thống là không bị giới hạn về mặt địa lý nên bất kì ai cũng có thể tham gia. Điều này tạo ra một thị trường tiềm năng vô cùng lớn, giúp các phiên Mega Live có thể đạt được doanh số khổng lồ.
Theo diễn giả Nguyễn Tuấn Anh, có giai đoạn, việc tổ chức Mega Live trở thành trào lưu khi bất cứ ai cũng tổ chức livestream bán hàng. Tuy nhiên, việc tổ chức Mega Live liên tục sẽ không đạt hiệu quả vì sức mua của người tiêu dùng cũng có giới hạn. Với tần suất ngày càng nhiều, các phiên Mega Live không còn thu hút khách hàng mua sắm bởi khách hàng không mua trong phiên livestream này thì vẫn có thể mua trong một phiên livestream khác.
Diễn giả Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Mega Live nào cũng có cùng sản phẩm giảm giá nên khách hàng không cần phải mua trong Mega Live nữa mà đến khi có nhu cầu sử dụng mới mua. Lúc đấy, hiệu quả các các phiên Mega Live giảm dần”.
Để khuyến khích khách hàng mua sắm, các phiên Mega Live dần thay đổi chiến lược như tăng thời gian bán hàng lên đến 72 tiếng, phá kỷ lục thời lượng livestream. Tuy nhiên với tần suất tổ chức Mega Live “dày đặc”, người tiêu dùng sinh ra tâm lý mất niềm tin và có tư duy phòng thủ vì không biết mức giá trong phiên livestream này có phải tốt nhất hay chưa. Từ đó, dẫn đến trường hợp khách hàng có xu hướng hủy đơn hàng đã đặt để mua lại sản phẩm với mức giả rẻ hơn trong phiên livestream sau. Điều này tạo ra một vòng lặp tiêu cực, vừa ảnh hưởng đến trải nghiệm của người tiêu dùng, vừa tổn hại đến lợi nhuận của các nhà bán hàng.
Về phía các nhãn hàng doanh nghiệp, khi tham gia một phiên Mega Live đồng nghĩa với việc họ phải đầu tư rất nhiều vào chi phí quảng cáo, chi phí tổ chức và giảm giá thật sâu. Do đó, nếu phiên Mega Live đó không bán được sản phẩm như kỳ vọng, họ sẽ phải gánh chịu những tổn thất lớn. Bên cạnh đó, việc liên tục giảm giá để thu hút người tiêu dùng sẽ dẫn hậu quả về sau. Bởi nếu trong các phiên livestream sau, nhãn hàng không giảm giá sâu thì cũng sẽ khó thu hút khách hàng. Từ đó dẫn đến lợi nhuận “đi xuống”, thậm chí doanh nghiệp xác định bị lỗ khi tham gia Mega Live. Đây chính là “mặt trái” của những phiên Mega Live.
Để khắc phục tình trạng này, diễn giả Nguyễn Tuấn Anh cho rằng các cơ quan ban ngành cần nghiên cứu những chính sách chống phá giá, để các phiên Mega Live không còn thu hút khách hàng tiềm năng bằng khuyến mãi, thay vào đó là thu hút bằng chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, các đơn vị tổ chức Mega Live cũng cần quy hoạch kế hoạch tổ chức, tập trung vào từng ngành hàng với từng thời điểm khác nhau, chẳng hạn như mỗi ngày một ngành hàng. Từ đó, các nhãn hàng sẽ không phải cạnh tranh về giá mà là cạnh tranh về chất lượng, nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, tránh trường hợp phá giá.
Trước tình trạng xuất hiện nhiều phiên Mega Live, diễn giả Nguyễn Tuấn Anh cũng cho rằng thị trường sẽ tự “đào thải” những mô hình livestream “không bền vững”, tức không mang lại lợi ích cho các bên tham gia từ người tiêu dùng đến doanh nghiệp lẫn đơn vị tổ chức. Từ đó, chỉ còn lại những phiên Mega Live có nền tảng tốt, nguồn lực mạnh và chiến lược lâu dài mới có thể duy trì và phát triển.
“Kính đa chiều” chủ đề tiếp theo Soạn giả cải lương trẻ với sự tham gia của host Phương Uyên và soạn giả Tô Thiên Kiều sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 1/10 trên kênh VTV9.
PV
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com